Đề xuất thay thế điện hạt nhân bằng nguồn điện khí LNG
Hơn 3.200 tỷ đồng di dân, tái định cư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận | |
VRB cung cấp dịch vụ ngân hàng cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận |
Một bến nhập khí LNG được bổ sung vào quy hoạch khu bến cảng Cà Ná trọng tải đến 97.000 tấn để phục vụ trực tiếp Trung tâm Điện lực LNG giai đoạn 1 (1.500 MW) |
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có văn bản kiến nghị thay thế quy mô 4.600 MW điện hạt nhân Ninh Thuận trong Quy hoạch điện VII bằng điện khí LNG cập nhật trong Quy hoạch điện VIII.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, điều chỉnh Quy hoạch Điện lực quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII điều chỉnh) được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, nguồn điện hạt nhân đã dừng thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội.
Do đó, việc thay thế phần quy mô công suất điện hạt nhân này thành công suất 4.600 MW điện khí LNG Cà Ná trong Quy hoạch Điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, theo tỉnh Ninh Thuận, "là thật sự cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, theo đúng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án (DA) Trung tâm Điện khí LNG Cà Ná, cảng biển tổng hợp Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận".
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW.
Ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định điều chỉnh tiến độ đầu tư dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW (điều chỉnh Quyết định số 2162 ngày 8/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận). Theo đó, tiến độ đầu tư dự án được điều chỉnh: “Hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý II/2022; hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý II/2026”.
Trước đó, ngày 22/7/2020, tại Diễn đàn Năng lượng cấp cao Việt Nam, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận đã đưa ra hàng loạt kiến nghị để tỉnh này trở thành trung tâm về năng lượng của cả nước.
Cụ thể, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng chủ trương phát triển năng lượng khí LNG và tập trung phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG là chủ trương lớn, trong đó cảng Cà Ná có lợi thế là cảng nước sâu, có thể tiếp nhận tàu thương mại đến 250.000 tấn. Đây cũng là cảng gần với tổ hợp khí 6.000 MW mà Chính phủ đã đồng ý bổ sung giai đoạn 1 của tổ hợp 1.500 MW. Do đó, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị chuyển quy hoạch 4.600 MW đã quy hoạch trong sơ đồ VII về điện hạt nhân sang đầu tư tổ hợp điện khí LNG Cà Ná.
Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná khi đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo đảm cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh các nguồn điện chậm tiến độ và một số dự án dừng triển khai như nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời, dự án sẽ góp phần tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất do truyền tải xa, nâng cao chất lượng điện năng, góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngành điện trong đầu tư phát triển nguồn điện. Bên cạnh đó, dự án điện khí LNG sẽ đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải và dịch vụ, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trong địa phương.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII thay đổi đáng kể về cơ cấu nguồn điện Bộ Công Thương vừa gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch phát điện điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Trong đó, điểm thay đổi đáng chú ý nhất là cơ cấu các nguồn điện đã có sự dịch chuyển đáng kể. Theo kịch bản cơ sở, với nhiệt điện than, dự kiến đến năm 2030 công suất đặt vào khoảng 40.650 MW, tăng hơn 3.070 MW so với tờ trình trước. Một nguồn điện khác cũng tăng là thủy điện nhưng không đáng kể với hơn 600 MW. Các loại nguồn turbine khí hỗn hợp và nhiệt điện khí dùng LNG vẫn giữ nguyên (gần 14.800 MW). Điện mặt trời cũng giữ nguyên với mức 18.640 MW. Ở chiều ngược lại, công suất đặt của điện gió giảm tới xấp xỉ 4.200 MW, trong đó điện gió ngoài khơi giảm 2.000 MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh (giai đoạn đến 2030). Điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác cũng giảm khoảng 2.000 MW. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau khi lấy ý kiến, Hội đồng thẩm định bổ sung, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện và dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 9. |