Ấn tượng thu hút vốn FDI ở Ninh Thuận
"Cú hích" từ cơ sở hạ tầng
Ninh Thuận nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng khi nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông là quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam phía đông; đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 27 nối lên Nam Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, với bờ biển dài 105 km, Ninh Thuận có nhiều lợi thế nổi trội, địa hình địa thế bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp… Bởi vậy, tỉnh có tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics…
Dù có nhiều tiềm năng, song những năm trước đây Ninh Thuận vẫn được xếp hạng nghèo nhất nhì của cả nước. Vào thời điểm năm 1992, Ninh Thuận cùng với Bình Thuận được chia tách ra từ Thuận Hải. Khi mới chia tách và cả những năm sau này, tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến việc thu hút đầu tư rất khó khăn…
Song thời gian gần đây, Ninh Thuận đứng trước cơ hội phát triển mới, với những thành tích nổi bật, đặc biệt về thu hút đầu tư nước ngoài FDI. Một trong những yếu tố giúp Ninh Thuận thu hút mạnh đầu tư, trong đó có đầu tư FDI là địa phương đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Với việc hạ tầng dần hoàn thiện đã giúp Ninh Thuận dễ dàng triển khai các chính sách đột phá trong thu hút đầu tư.
Đơn cử, với tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông tuyến đã giúp kết nối dễ dàng Ninh Thuận với TP. Hồ Chí Minh hay với Khánh Hòa. Tương tự, dự án đường nối từ quốc lộ 1A thông với cảng biển tổng hợp Cà Ná… Những dự án này giữ vai trò cầu nối trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển giữa Ninh Thuận với các địa phương khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp đã được thành lập gồm: Khu công nghiệp Thành Hải, Khu công nghiệp Du Long, Khu công nghiệp Phước Nam với tổng diện tích 855 ha. Ngoài ra, Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 827 ha cũng đang được trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện, quỹ đất tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh còn khá lớn, có mức giá cho thuê thấp hơn nhiều so với mức giá của các địa phương khác trong khu vực.
Ninh Thuận đã lựa chọn hạ tầng làm khâu đột phá để thu hút đầu tư. |
Bên cạnh hoàn chỉnh hạ tầng, Ninh Thuận còn áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu… Toàn bộ các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất…
Để thu hút đầu tư, tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường kết nối hợp tác xúc tiến thu hút đầu tư tại các thị trường tiềm năng như, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ. Đồng thời, đa dạng các kênh quảng bá thông tin về thu hút đầu tư.
Top 10 thu hút vốn FDI của cả nước
Bên cạnh những nội lực của địa phương, hỗ trợ cho Ninh Thuận phát triển, thu hút đầu tư Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các các địa phương trong khu vực duyên hải miền trung và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Đặc biệt, quy hoạch Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Từ đó, tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo dư địa cho tăng trưởng.
Năng lượng, năng lượng tái tạo một trong những thế mạnh thu hút đầu tư ở Ninh Thuận. |
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương đã xác định chọn 5 cụm ngành đột phá gồm: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản và 2 động lực tăng trưởng mới là kinh tế biển và kinh tế đô thị…
Tính đến nay, Ninh Thuận đã thu hút được 42 dự án FDI (còn hiệu lực) với tổng vốn đăng ký 1,143 tỷ USD đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, có 3 dự án đã chấp thuận địa điểm với tổng vốn 174 triệu USD. Trong tổng số 42 dự án FDI, đã có 34 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện trên 850 triệu USD, 8 dự án đang triển khai. Các dự án FDI tập trung đầu tư vào các lĩnh vực địa phương có lợi thế như: năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Đến nay, Ninh Thuận đã vượt Thái Nguyên để lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành thu hút FDI cao nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm 2024. Đây cũng là lần đầu tiên Ninh Thuận, lọt vào danh sách này… Như đã nói ở trên, từ xuất phát điểm thấp song Ninh Thuận đang đứng chung hạng với những “ông lớn” như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh hay Bắc Ninh… nằm trong top 10 của cả nước về thu hút vốn FDI, đây quả là một kỳ tích đáng tự hào đối với Ninh Thuận.