Đến bảo tàng tìm hiểu chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Mốc son của đường lối kháng chiến toàn diện Hành trình về với Điện Biên Phủ |
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tọa lạc tại quốc lộ 279, phố 3, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng nằm trên diện tích 22.000 m2. Công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc và phần nội dung trưng bày, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hình ảnh bộ đội ta kéo pháo vào trận địa được mô tả sống động trong bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” |
Để đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan, bắt đầu từ ngày 5/4 đến ngày 31/5/2024, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ mở cửa đón khách tham quan các tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần. Riêng trong hai ngày 6 và 7/5, dù không rơi vào thứ sáu, thứ bảy nhưng đơn vị cũng mở cửa phục vụ khách tham quan cả ban ngày và buổi tối. Thời gian mở cửa buổi tối bắt đầu từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ. Hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan bảo tàng muốn chiêm ngưỡng bức tranh Panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ".
Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Vũ Thị Tuyết Nga cho biết, để bảo đảm công tác phục vụ khách tham quan được chu đáo, hiệu quả và an toàn, bảo tàng đã huy động tối đa viên chức, lao động tăng ca, tăng giờ, tăng cường lực lượng hướng dẫn viên đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách; chú trọng phương án phân luồng khách du lịch trải đều nhà trưng bày và bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”, tránh tình trạng khách tập trung quá đông tại một điểm.
Ngoài ra, công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản cũng được tiến hành đồng thời để bổ sung những tài liệu, hiện vật, những câu chuyện sinh động. Từ đó, hướng dẫn viên có thể xây dựng thành những câu chuyện để truyền tải đến du khách một cách sinh động về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xây dựng năm 2012, là công trình trọng điểm của tỉnh Điện Biên, khánh thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngay từ khi xây dựng, bảo tàng đã hướng tới mục tiêu không đơn thuần là một thiết chế văn hóa, còn là công trình có kiến trúc hiện đại, có thể tiếp cận và áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến của chuyên ngành bảo tàng theo hướng hiện đại, đồng thời là kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, hình tượng mỹ thuật đặc biệt và gắn với lịch sử dân tộc. Do đó, không gian cảnh quan của công trình được thiết kế với những vòng xoáy và tạo hình bằng các đường xẻ khe, biểu hiện như sự bủa vây và địa hình công sự, giao thông hào; với hình dáng chiếc mũ nan phủ lưới ngụy trang cùng với hệ thống nan bê tông, cốt thép tạo hình quả trám tượng trưng cho chiếc áo trấn thủ của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, tác giả muốn lưu giữ những nét đặc trưng cơ bản, giá trị cốt lõi tiêu biểu từ cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi là không gian trưng bày cố định chuyên đề Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không gian Panorama (toàn cảnh) và bộ phận làm việc.
Phần trưng bày được bố trí ở tầng nổi của bảo tàng với diện tích trưng bày rộng 1.250 m2 với gần 1.000 tài liệu, hiện vật (nhiều chất liệu), hình ảnh, bản đồ được đánh giá là một trưng bày hiện đại, được tổ chức khoa học và mỹ thuật với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Phần trưng bày này được sắp xếp theo trình tự thời gian, có sự đan xen với lối trưng bày theo bộ sưu tập hiện vật, đã thực sự đáp ứng được cấu trúc chung và yêu cầu nội dung của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Với nhiều hạng mục quan trọng bằng mô hình, khối tượng và gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh… có liên quan đã khái quát một cách sinh động, rõ nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta trong đó chủ yếu là 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Các hiện vật trưng bày được đặt trong tủ kính, có bệ đỡ phủ nhung đỏ với hệ thống chiếu sáng đảm bảo yêu cầu nhằm làm nổi bật hiện vật. Dưới mỗi hiện vật đều có chú thích đầy đủ các thông tin về hiện vật một cách ngắn gọn, súc tích, làm nổi bật ý đồ của việc trưng bày hiện vật tại bối cảnh đó, không gian đó, để người xem thấy rằng mỗi hiện vật hoặc một nhóm hiện vật là một câu chuyện, là một giai đoạn lịch sử. Với những hiện vật gắn với những kỳ tích của cá nhân được đặt trang trọng tại những vị trí dễ nhìn, dễ quan sát và dễ giới thiệu, tuyên truyền cho khách tham quan.
Tại mỗi không gian trưng bày, ngoài tài liệu, hiện vật là phối cảnh không gian bằng các mô hình người, vật, đồ vật, cây cối được làm giả. Có thể kể tới những không gian nổi bật như: phối cảnh kéo pháo vào trận địa, vận chuyển lương thực, phá đá mở đường tại phần chủ trương của Đảng ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây thực sự là một nội dung trưng bày quan trọng, rất sinh động đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch, yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng, cũng là một trong những kỳ tích của quân và dân ta trong trận đánh này.
Một không gian khác cũng nổi bật không kém là phần trưng bày về công tác quân y với các mô hình bác sĩ, y tá chăm sóc thương binh trong các hầm trú ẩn cả về phía ta và Pháp, đã cho thấy thực tế đau thương của chiến tranh, sự khốc liệt của súng, pháo và bom mìn. Sâu sắc hơn, đó những nỗ lực, chiến công thần kỳ của công tác quân y khi cứu chữa và trả về các đơn vị hơn 5.000 thương binh, có thể tiếp tục chiến đấu.
Với nhiều hạng mục quan trọng bằng mô hình, khối tượng và gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh… đã khái quát sinh động, sắc nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự hoành tráng trong thiết kế cùng thủ pháp trưng bày độc đáo như đưa người xem trở lại chứng kiến cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài những năm kháng chiến chống Pháp.