Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu hái cà phê
Tạo điều kiện cho người lao động
Những ngày qua, câu chuyện về nhân công thu hái cà phê là vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại các tỉnh Tây Nguyên. Thời điểm này của những năm trước, hầu hết các rẫy cà phê đều đang nhộn nhịp thu hái, vận chuyển sản phẩm. Thế nhưng niên vụ này, do dịch Covid-19, lao động thu hái cà phê thuê đang sụt giảm đáng kể.
Trước khó khăn và phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, vừa đảm bảo tiến độ thu hoạch cà phê, vừa an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định. Tại Kon Tum, trong niên vụ 2020-2021, tổng diện tích trồng cà phê của tỉnh là hơn 25.000ha. Trong đó, riêng huyện Đăk Hà có trên 12.000ha. Theo ước tính, tổng số lao động cần để thu hoạch cà phê lên đến 11.500 người. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hái, tỉnh Kon Tum có chủ trương tiếp nhận lao động là người từ ngoài tỉnh.
Người trồng cà phê tại Tây Nguyên đang loay hoay tìm nhân công thu hoạch cà phê |
Những người đến Kon Tum hái cà phê thuê chủ yếu là ở huyện Sơn Hà, Ba Tơ (Quảng Ngãi), thường đi theo nhóm khoảng 8-12 người. Những người này đều đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và xin giấy đi đường từ địa phương. Đồng thời, chủ động khai báo y tế với chính quyền nơi làm việc và xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo an toàn trong quá trình lao động...
Song song với việc tạo điều kiện cho lao động địa phương khác đến hái cà phê thuê, chính quyền tỉnh Kon Tum còn hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm hợp tác lao động tại các xã để điều tiết nhân lực. Cùng với đó, phối hợp với lực lượng quân đội để phân công chiến sỹ đến tham gia các tổ, nhóm hỗ trợ người dân; tập trung sử dụng nguồn lao động tại chỗ, người dân tộc thiểu số. Sự vào cuộc kịp thời này đã giúp các địa phương phát huy được sức mạnh của cộng đồng, góp phần ổn định an ninh trật tự và đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo việc thu hái cà phê đúng mùa vụ.
Xây dựng phương án huy động nhân lực
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, tổng diện tích cà phê của địa phương là trên 209.000ha, sản lượng ước đạt trên 550.000 tấn. Đến cuối tháng 11/2021, cà phê ở Đăk Lăk mới bắt đầu thu chính vụ. Để đảm bảo công tác thu hái đúng mùa vụ, với diện tích cà phê như trên, Đăk Lăk cần một lực lượng lao động rất lớn để thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Hùng ở thị trấn K’rông Năng cho hay, nhà trồng hơn 4ha cà phê, năm trước có thể thuê người thu hái, nhưng năm nay việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn do không thuê được lao động. Trước tình hình này, các hộ gia đình trồng cà phê tại địa phương phải hái đổi công cho nhau, nhưng như vậy kéo dài thời gian thu hoạch. Hiện gia đình anh đã thu hái được 10 ngày nhưng vẫn chưa xong… Người trồng cà phê lo nhất là thu hoạch không kịp thời vụ. Nếu không hái đúng thời điểm, cà phê bị giảm năng suất và chất lượng.
Trước ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 đối với việc thu hoạch cà phê, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành văn bản xây dựng các phương án huy động nhân lực thu hái cà phê trên địa bàn trong điều kiện dịch bệnh. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện chủ động xây dựng các phương án huy động nhân lực thu hái cà phê cho phù hợp với các trường hợp diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra theo từng cấp độ nguy cơ.
Trong quá trình xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê, các địa phương cần rà soát và huy động tối đa các nguồn nhân lực tại chỗ; trong trường hợp cần thiết UBND các địa phương làm việc trực tiếp với Cơ quan quân sự địa phương để thống nhất, có văn bản báo cáo đề xuất UBND tỉnh, Cơ quan quân sự cấp tỉnh xem xét huy động các lực lượng vũ trang tham gia thu hái cà phê. Ngoài ra, hiện nay nguồn lao động từ các tỉnh phía Nam trở về Đăk Lăk tương đối lớn, UBND các địa phương cần có kế hoạch huy động, sử dụng nguồn nhân lực này, tuy nhiên phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cập nhật thông tin, tổ chức, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các phương án huy động nhân lực thu hái cà phê cho phù hợp với các trường hợp diễn biến dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu phòng chống dịch Covid-19; các địa phương trong quá trình xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê, chủ động liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Giao thông - Vận tải và các sở, ngành có liên quan, các địa phương hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm của người dân vừa đảm bảo nguyên tắc, yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng dịch tại các địa phương; phối hợp với các địa phương phòng ngừa, kiểm soát nguồn lây nhiễm Covid-19 đối với sản phẩm trước khi tiêu thụ tại các thị trường…