Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 3-7/7 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/7 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 11/7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.787 VND/USD, giảm tiếp 23 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán được niêm yết ở mức 24.926 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên ở mức 23.700 VND/USD, tăng mạnh 50 đồng so với phiên 10/07.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do giảm 40 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.620 VND/USD và 23.700 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 11/7, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm từ 0,04 - 0,17 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 0,37%; 1 tuần 0,60%; 2 tuần 0,97% và 1 tháng 2,70%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 - 0,02 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 4,85%; 1 tuần 4,92%; 2 tuần 5,01%, 1 tháng 5,19%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 2,06%; 5 năm 2,07%; 7 năm 2,35%; 10 năm 2,65%; 15 năm 2,85%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày, khối lượng 3.000 tỷ đồng với lãi suất giữ ở mức 4,0%. Phiên chào này không có khối lượng trúng thầu và không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường chứng khoán tiếp tục có một phiên tích cực với cả 3 chỉ số đều tăng điểm. Chốt phiên, VN-Index tăng 2,75 điểm (+0,24%) lên 1.151,77 điểm; HNX-Index thêm 0,85 điểm (+0,37%) đạt 229,22 điểm; UPCoM-Index tăng 0,59 điểm (+0,69%) lên mức 85,82 điểm. Thanh khoản thị trường giữ ở mức cao với giá trị giao dịch hơn 21.600 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng nhẹ 67 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 11/7, giá xăng E5RON92 giảm 51 đồng/lít, giá xăng RON95-III tăng 69 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, giá các mặt hàng dầu tăng từ hơn 300 đồng mỗi lít. Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: Không cao hơn 20.419 đồng/lít; xăng RON95-III: 21.497 đồng/lít; dầu diesel 0.05S: 18.616 đồng/lít (tăng 447 đồng/lít); dầu hỏa: 18.320 đồng/lít (tăng 394 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S: 15.288 đồng/kg (tăng 665 đồng/kg). Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng trở lại sau khi giảm vào kỳ điều hành đầu tháng Bảy.
Tin quốc tế
Theo kết quả khảo sát của ZEW, niềm tin kinh tế khu vực Eurozone nói chung và của Đức nói riêng giảm lần lượt xuống mức -12,2 điểm và -14,7 điểm trong tháng 7 từ mức -10,0 điểm và -8,5 điểm của tháng 6, đồng thời giảm sâu hơn dự báo ở mức -10,2 điểm và -10,7 điểm của thị trường.
Các chuyên gia thị trường tài chính dự đoán tình hình kinh tế sẽ tiếp tục xấu đi vào cuối năm nay. Nguyên nhân chính là do dự báo tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn ở Eurozone và Mỹ. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc được đánh giá là tương đối yếu.
Thị trường lao động Anh vẫn phục hồi bất chấp tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc và lãi suất cao. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tháng Sáu tăng 25,7 nghìn đơn, cao hơn mức tăng 22,5 nghìn của tháng trước đó, đồng thời cao hơn dự báo tăng 20,5 nghìn đơn. Tỷ lệ thất nghiệp nước này tháng 5 cũng tăng lên mức 4,0% từ mức 3,8% tháng 4 cũng là dự báo của thị trường. Mặc dù vậy, thu nhập bình quân 3 tháng 3-4-5 tăng 6,9% so với 3 tháng cùng kỳ trước đó, tích cực hơn mức tăng 6,7% của 3 tháng 2-3-4 và dự báo ở mức 6,8%.
Niềm tin kinh doanh tháng Sáu của Úc cải thiện tích cực. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Quốc gia Úc NAB, niềm tin kinh doanh tại nước này tăng lên mức 0,0 điểm trong tháng Sáu từ mức -3,0 điểm tháng trước đó, trong khi điều kiện kinh doanh vẫn giữ nguyên ở mức 9,0 điểm. Theo NBA, các điều kiện kinh doanh đã giảm đáng kể từ tháng 1/2023 nhưng vẫn ở trên mức trung bình dài hạn, một dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi đang diễn ra, các công ty cũng chưa thấy khả năng suy thoái thực sự có thể xảy ra. Kết quả một khảo sát khác của Westpac cho thấy, niềm tin tiêu dùng tại Úc tăng mạnh 2,7% lên mức 81,3 điểm trong tháng Bảy từ mức tăng chỉ có 0,2% với mức 79,2 điểm tháng Sáu.