Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 30/1 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 31/1 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 1/2, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.960 VND/USD, giảm mạnh tiếp 31 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.108 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.400 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên 31/1.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm mạnh 250 đồng ở chiều mua vào và 200 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.700 VND/USD và 24.800 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 1/2, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,10 - 0,22 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống ngoại trừ giảm 0,06 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm, cụ thể: qua đêm 1,0%; 1 tuần 1,44%; 2 tuần 1,72% và 1 tháng 1,84%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần và đi ngang ở kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 5,19%; 1 tuần 5,29%; 2 tuần 5,33%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp biến không thay đổi ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên ở mức: 3 năm 1,19%; 5 năm 1,39%; 7 năm 1,82%; 10 năm 2,29%; 15 năm 2,51%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có đáo hạn trong phiên hôm qua. Như vậy, có 2,28 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán phiên 1/2, dù chịu áp lực lớn hơn trong nửa cuối phiên chiều, thị trường vẫn có những nhip tăng ngắn để chốt phiên trong sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,71 điểm (+0,75%) lên mức 1.173,02 điểm; HNX-Index mất 1,40 điểm (+0,61%) đạt 230,57 điểm; UPCoM-Index nhích 0,33 điểm (+0,38%) lên 88,02 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm với giá trị giao dịch đạt gần 16.900 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 162 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong kỳ điều hành xăng dầu ngày 1/2, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định tăng giá tất cả các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường từ 1/2/2024. Theo đó, giá xăng RON 95-III tăng 760 đồng, lên mức 24.160 đồng một lít; E5 RON tăng 740 đồng, lên 22.910 đồng một lít. Giá dầu diesel bán lẻ tăng 620 đồng/lít, lên 20.990 đồng/lít trong khi dầu hỏa tăng 380 đồng/lít, lên 21.330 đồng/lít. Dầu mazut tăng 590 đồng/kg, còn 16.080 đồng/kg.
Theo Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global, PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 1 tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12/2023. Các điều kiện kinh doanh nói chung được cải thiện nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng nhẹ trở lại. Theo đó, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là những yếu tố đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới cũng như số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây. Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam.
Tin quốc tế
Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 49,1% trong tháng 1, tăng lên từ mức 47,4% của tháng trước đó, trái với dự báo giảm nhẹ xuống 47,2%. Mặc dù vẫn cho thấy trạng thái thu hẹp nhẹ, song đây là tháng ghi nhận mức PMI sản xuất cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 27/1 ở mức 224 nghìn đơn, tăng lên từ 215 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo giảm nhẹ còn 213 nghìn đơn. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất là 207,75 nghìn, tăng 5,25 nghìn so với bình quân 4 tuần liền trước.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) không thay đổi lãi suất chính sách trong phiên họp đầu năm. Trong cuộc họp ngày hôm qua (1/2), BoE nhận định GDP nước Anh sẽ phục hồi dần trong thời gian tới sau những trầm lắng trong giai đoạn trước bởi môi trường lãi suất cao. Thị trường lao động đang nới lỏng dần, song vẫn được coi là thắt chặt so với lịch sử. Tăng trưởng tiền lương cũng đã chậm lại trong thời gian gần đây. Lạm phát tại Anh trong tháng 12/2023 đã giảm xuống 4%, thấp hơn so với kỳ vọng trong báo cáo tháng 11 của BoE.
Theo đó, BoE dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống mức mục tiêu 2,0% trong quý II/2024, sau đó tăng trở lại ở quý III và quý IV. CPI cả năm 2024 có thể tăng khoảng 2,75%.
Trong cuộc họp này, BoE quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25% nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu trong thời gian hợp lý. Cơ quan này cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về lạm phát và kinh tế để đưa ra quyết định nên duy trì lãi suất chính sách ở mức hiện tại trong bao lâu.
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat) công bố CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone lần lượt tăng 2,8% và 3,3% so với cùng kỳ trong tháng 1, cùng thấp hơn so với 2,9% và 3,4% của tháng trước đó, song chưa xuống mức 2,7% và 3,2% như kỳ vọng của các chuyên gia.