Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 28/2 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 2/3, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.638 VND/USD, giảm 5 đồng so với phiên trước đó.
Giá bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở 24.780 VND/USD, giá mua ở 23.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô - đồng chốt phiên với mức 23.720 VND/USD, đi ngang so với phiên 1/3.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.750 VND/USD và 23.850 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 2/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng tiếp 0,11 - 0,27 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 6,27%; 1 tuần 6,50%; 2 tuần 6,69% và 1 tháng 7,09%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: qua đêm 4,48%; 1 tuần 4,60%; 2 tuần 4,70%, 1 tháng 4,84%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp tăng ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 3,84%; 5 năm 3,88%; 7 năm 3,98%; 10 năm 4,41%; 15 năm 4,56%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố kỳ hạn 7 ngày, đấu thầu lãi suất, có 4.499,99 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 6,0%; có 3.499,99 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất, có 12.500 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 và 1.500 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày cùng với lãi suất ở mức 6,0%; có 12.100 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 900 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 30.923,26 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành là 160.679,2 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua rung lắc suốt phiên với dòng tiền heo hút và khối ngoại tiếp tục bán ròng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,94 điểm (-0,28%) xuống mức 1.037,61 điểm; HNX-Index mất 0,69 điểm (-0,33%) về 206,14 điểm; UPCoM-Index hạ 0,36 điểm (-0,47%) về 76,28 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp với giá trị giao dịch khoảng trên 7.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 118 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng Hai, tăng so với mức 47,4 điểm trong tháng Một, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng. Nhu cầu cải thiện ở cả trong nước và nước ngoài giúp sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại; niềm tin kinh doanh tăng lên với triển vọng nhu cầu cải thiện.
Tuy nhiên, mối lo ngại kéo dài vẫn là lạm phát khi cả chi phí đầu vào và giá bán hàng trong tháng Hai đều tăng với tốc độ nhanh nhất trong tám tháng. Các công ty sẽ hy vọng áp lực giá cả sẽ giảm trong thời gian tới để bảo đảm duy trì được tình trạng cải thiện nhu cầu.
Tin quốc tế
Bộ Lao động Mỹ thông báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc 25/2 là 190 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 192 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ lên 196 nghìn. Đây là tuần thứ bảy liên tiếp số đơn thấp dưới 200 nghìn, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức bình quân 250 nghìn đơn trước đại dịch Covid-19.
Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần khu vực này tăng 8,5% so với cùng kỳ trong tháng Hai, giảm nhẹ từ mức 8,6% của tháng Một nhưng vẫn cao hơn so với mức 8,3% theo dự báo. Bên cạnh đó, CPI lõi tăng 5,6% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, trái với dự báo chỉ đi ngang so với mức 5,3% của tháng Một.