Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/2
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 19-23/2 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/2 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 27/02, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.014 VND/USD, tăng tiếp 10 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.164 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường LNH, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.642 VND/USD, giảm 28 đồng so với phiên 26/02.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.250 VND/USD và 25.350 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 27/02, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm 0,04 – 0,20 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,09 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 3,40%; 1 tuần 3,41%; 2 tuần 3,29% và 1 tháng 2,87%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần, trong khi tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần, đi ngang ở kỳ hạn 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 5,18%; 1 tuần 5,30%; 2 tuần 5,34%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở kỳ hạn 3 năm trong khi giảm khá mạnh ở các kỳ hạn dài hơn; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,28%; 5 năm 1,46%; 7 năm 1,84%; 10 năm 2,34%; 15 năm 2,58%.
Nghiệp vụ thị trường mở trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 5.091,04 tỷ đồng đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống còn 946,47 tỷ đồng. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán tiếp tục có một phiên giao dịch thành công, các chỉ số chính luôn giữ được sắc xanh trong toàn phiên. Chốt phiên, VN-Index tăng 13,29 điểm (+1,09%) lên 1.237,46 điểm; HNX-Index thêm 2,51 điểm (+1,08%) đạt 235,38 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,09 điểm (-0,10%) về mức 90,40 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 25.500 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 149 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/22/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng Hai, có 405 dự án mới được cấp phép với mức tăng 55,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 442,1 triệu USD (giảm 17,4% so với cùng kỳ), với 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ). Tính lũy kế đến ngày 20/2/2024, cả nước có 39.553 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 473,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 300 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Tin quốc tế
Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền toàn phần tại quốc gia này giảm mạnh 6,1% so với tháng trước trong tháng Một sau khi giảm 0,3% ở tháng 12/2023, sâu hơn mức giảm 4,9% theo dự báo. Giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi cũng giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước trong tháng đầu năm sau khi tăng 0,5% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng 0,2%.
Tiếp theo, chỉ số giá nhà tại Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng 12/2023, nối tiếp đà tăng 0,4% ở tháng Một, song chưa đạt mức tăng 0,3% như dự báo. Như vậy, giá nhà tại quốc gia này đã tăng khoảng 6,5% trong cả năm 2023. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 106,7 điểm trong tháng Hai, giảm xuống từ mức 110,9 điểm của tháng trước, trái với dự báo tăng lên mức 114,8 điểm.
Growth from Knowledge (GfK) khảo sát cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Đức ở mức -29,0 điểm trong tháng 2, tăng nhẹ từ mức -29,6 điểm của tháng 1 và khớp với dự báo của các chuyên gia. Đây là một trong những mức điểm thấp nhất kể từ tháng 02/2023, cho thấy người tiêu dùng tại quốc gia này đang có xu hướng bi quan trở lại đối với kinh tế và thu nhập trong tương lai.
Giữa tháng Hai, chính phủ Đức dự báo kinh tế nước này có thể chỉ tăng 0,2% trong năm 2024, hạ rất mạnh từ mức 1,3% theo dự báo mùa thu 2023. Bên cạnh đó, GfK cũng nhận định xu hướng tiết kiệm khi lãi suất ở mức cao cũng đang khiến nhu cầu chi tiêu bị ảnh hưởng mạnh.