Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/1
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/1 Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 2-5/1 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 9/1, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.931 VND/USD, chỉ giảm 2 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán được niêm yết ở mức 25.077 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.363 VND/USD, tăng 13 đồng so với phiên 08/01.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.730 VND/USD và 24.830 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng này 9/1, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đi ngang ở kỳ hạn qua đêm trong khi giảm 0,08 - 0,48 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,30%; 2 tuần 0,53% và 1 tháng 1,15%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 - 0,05 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: qua đêm 5,07%; 1 tuần 5,18%; 2 tuần 5,26%, 1 tháng 5,36%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 7 năm; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,53%; 5 năm 1,52%; 7 năm 1,86%; 10 năm 2,21%; 15 năm 2,40%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 1,04 tỷ đồng lưu hành trên kênh này. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán có phiên giằng co quanh mốc tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm lần đầu tiên trong năm 2024 với 1,60 điểm (-0,14%) về mức 1.158,59 điểm; HNX-Index mất 0,83 điểm (-0,36%) còn 232,50 điểm; UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%) xuống 87,72 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó với giá trị giao dịch gần 20.600 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 142 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, lũy kế thu ngân sách nhà nước ước tính đến hết ngày 31/12/2023 ước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% (131,75 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, nhưng chỉ đạt 96,5% so với thực hiện năm 2022. Thu nội địa vượt 10,1% dự toán, tăng 1,7% so với thực hiện năm 2022; thu từ dầu thô vượt 47,5% (19,9 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tuy nhiên vẫn giảm 20,6% so với năm 2022; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 91,8% (giảm 19,7 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, giảm 23,1%%.
Lũy kế chi ngân sách nhà nước 12 tháng ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 87,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán.
Tin quốc tế
Khu vực Eurozone ghi nhận một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone giảm xuống mức 6,4% trong tháng 11, trái với dự báo đi ngang ở mức 6,5% như kết quả thống kê tháng 10. Tiếp theo, tại nước Đức, sản lượng công nghiệp tháng 11 ghi nhận mức giảm 0,7%, nối tiếp đà giảm 0,3% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ 0,4%. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng công nghiệp tại quốc gia này giảm khoảng 4,8%.
Chính phủ Nhật công bố mức chi tiêu của các hộ gia đình giảm 2,9% so với cùng kỳ trong tháng 12, sâu hơn mức giảm 2,5% ghi nhận ở tháng trước đó và tiêu cực hơn dự báo chỉ giảm 2,2%. Tiếp theo, tại khu vực Tokyo, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tăng 2,1% so với cùng kỳ trong tháng 12, thấp hơn mức tăng 2,3% của tháng trước đó và khớp với dự báo.
Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết doanh số bán lẻ tại nước này tăng 2,0% so với tháng trước trong tháng 11 sau khi giảm nhẹ 0,2% ở tháng trước đó, vượt qua mức tăng 1,2% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2022, doanh số ghi nhận mức tăng 2,2%.