Điểm lại thông tin kinh tế tuần trước nghỉ lễ Giỗ Tổ
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 28/3-1/4 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 21-25/3 |
Tổng quan
Qua kết quả hoạt động ngoại thương quý 1/2022, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm của Việt Nam có thể đạt tới mức kỷ lục trên 700 tỷ USD.
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 03/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 66,73 tỷ USD, tăng mạnh tới 36,8% so với tháng trước (tương ứng tăng tới 17,93 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% (tương ứng tăng 10,64 tỷ USD); trị giá nhập khẩu ước đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% (tương ứng tăng 7,29 tỷ USD). Đáng chú ý, kim ngạch XK tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo…
Với kết quả trên, lũy kế 3 tháng của năm 2022, tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước ước đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 22,17 tỷ USD) so với 3 tháng năm 2021. Trong đó, trị giá XK ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% (tăng 10,11 tỷ USD) và trị giá NK ước đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% (tăng 12,06 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 03/2022 ước tính thặng dư 1,39 tỷ USD. Như vậy, lũy kế 3 tháng năm 2022, cả nước ước tính thặng dư 809 triệu USD.
Trong 3 tháng, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỷ USD. Có thể thấy, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine…, kim ngạch XNK của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Quý 1/2022, có 15 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỉ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch XK. Trong đó, có 5 mặt hàng XK trên 5 tỉ USD, chiếm 58%, gồm: Điện thoại và linh kiện: 14,239 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện: 13,055 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác: 9,919 tỷ USD; Dệt, may: 8,837 tỷ USD; Giày dép: 5,288 tỷ USD.
Về cơ cấu nhóm hàng XK quý I, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, giảm 0,1%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%, tăng 0,5%.
Ở chiều ngược lại, trong quý 1/2022 có 16 mặt hàng NK đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch NK. Về cơ cấu nhóm hàng NK quý 1/2022, nhóm hàng TLSX chiếm 93,8%, tăng 0,1 đpt so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46,2%, giảm 0,2 đpt; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,6%, tăng 0,3 đpt; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2%, giảm 0,1 đpt.
Về thị trường XNK hàng hóa quý 1/2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 27,6 tỷ USD.
Với thặng dư thương mại gần 1 tỉ USD trong 3 tháng đầu năm 2022, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục bứt phá, là điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022. Bước sang năm 2022, ngành công thương tiếp tục đặt mục tiêu kim ngạch XK tăng khoảng 6-8% so với năm 2021 và cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Thậm chí, các chuyên gia nhận định, kim ngạch XNK cả năm 2022 có thể đạt con số 750 tỉ USD.
Theo đó, năm 2022, XK được dự báo sẽ đạt 370 - 380 tỷ USD, tăng 13 - 15%; NK đạt 365 - 375 tỷ USD, tăng 11 - 13% so với năm 2021. Như vậy, năm 2022, Việt Nam tiếp tục xuất siêu từ 4 - 8 tỷ USD. Điều doanh nghiệp cần làm là tập trung tận dụng các cơ hội của các FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP, RCEP… để đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, phát triển XK sang các khu vực thị trường và mặt hàng XK mới, cơ cấu lại các ngành hàng XK.
Về những khó khăn có thể gặp phải, các chuyên gia nhận định thời gian tới, hoạt động XNK hàng hóa, đặc biệt là XK của Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng chi phí sản xuất tăng cao do biến động tăng giá nhiên liệu thế giới; chi phí logistics vẫn neo ở mức cao từ cuối năm ngoái đến nay tiếp tục làm tăng giá thành cho doanh nghiệp; căng thẳng trên thị trường thế giới do xung đột Nga-Ukraine đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế thế giới nói chung, kinh tế nước ta nói riêng, đặc biệt là ảnh hưởng tới hoạt động XNK.
Tóm lược thị trường trong nước từ 04/04 - 08/04
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 04/04 - 08/04, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 08/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.101 VND/USD, chỉ tăng 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.
Tỷ giá LNH tăng ở các phiên đầu tuần trong khi giảm khá mạnh phiên cuối tuần. Chốt tuần 08/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.816 VND/USD, tăng 37 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do có xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 08/04, tỷ giá tự do giảm mạnh 80 đồng ở chiều mua vào và 85 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.225 VND/USD và 23.260 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 04/04 - 08/04, lãi suất VND LNH diến biến giảm ở các phiên đầu tuần, chỉ tăng trở lại khá mạnh ở phiên cuối. Chốt ngày 08/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,06% (-0,02 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,16% (-0,09 đpt); 2W 2,18 (-0,07 đpt); 1M 2,18% (-0,07 đpt).
Lãi suất USD LNH tuần qua vẫn duy trì xu hướng tăng nhẹ. Chốt tuần 08/04, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,02 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: ON 0,36% (+0,02 đpt); 1W 0,45% (+0,02 đpt); 2W 0,51% (+0,04 đpt) và 1M 0,58% (+0,04 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 04/04 - 08/04, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 1.321,22 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 714,51 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 516,71 tỷ VND ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 5.025,55 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 06/04, KBNN huy động thành công 2.000/5.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 40%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được 1.000/2.000 tỷ đồng mỗi loại, kỳ hạn 5 năm và 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,24%/năm (+0,04%); kỳ hạn 15 năm tại 2,54%/năm (+0,04%). Trong tuần không có TPCP đáo hạn.
Trong tuần này từ 11/04 - 15/04 có 5.543 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.094 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 11.228 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 08/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,86% (+0,28 đpt); 2 năm 1,96% (+0,3 đpt); 3 năm 2,04% (+0,33 đpt); 5 năm 2,17% (+0,42 đpt); 7 năm 2,41% (+0,40 đpt); 10 năm 2,75% (+0,35 đpt); 15 năm 2,95% (+0,27 đpt); 30 năm 3,18% (+0,11 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 04/04 - 08/04, xu hướng giảm điểm áp đảo trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 08/04, VN-Index đứng ở mức 1.482,0 điểm, tương ứng giảm mạnh 34,44 điểm (-2,27%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm mạnh 22,08 điểm (-4,86%) xuống 432,02 điểm; UPCom-Index giảm 3,35 điểm (-2,86%) còn 113,84 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình trên 28.700 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.762 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Trong tuần qua, Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 3 và đồng thời nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Cụ thể, về Fed, trong biên bản cuộc họp tháng 3 (công bố sáng ngày 07/04), cơ quan này dự báo GDP năm 2022 sẽ giảm tốc so với năm 2021 trước khi tích cực hơn một chút ở năm 2023, sau đó giảm tốc một lần nữa ở năm 2024.
Bên cạnh đó, về lạm phát, Fed dự báo chỉ số tiêu dùng PCE sẽ ở mức 4% trong năm 2022, giảm xuống 2,3% trong năm 2023 và tiếp tục giảm còn 2,1% trong năm 2024.
Theo đó, cơ quan này quyết định nâng LSCS thêm 25 điểm, lên mức 0,25% - 0,50%, đồng thời thảo luận về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài sản với mức 95 tỷ USD mỗi tháng, có thể bắt đầu thực hiện từ tháng 5. Liên quan tới kinh tế Mỹ, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại nước này giảm 0,5% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 1,5% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 58,3% trong tháng 3, tăng lên từ mức 56,5% của tháng trước đó và gần đạt mức 58,6% theo kỳ vọng.
Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 02/04 ở mức 166 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 177 nghìn đơn (điều chỉnh xuống từ 202 nghìn đơn) của tuần trước đó, thấp hơn nhiều so với dự báo ở mức 201 nghìn đơn.
NHTW Úc RBA không thay đổi LSCS trong phiên họp đầu tháng 4. Trong tuần qua, ngày 05/04, RBA nhận định kinh tế quốc nội Úc vẫn đang phục hồi, nhiều lĩnh vực tăng tích cực. Cơ quan này duy trì LSCS ở mức 0,10%; không thay đổi so với trước, nhằm đạt được lạm phát trung hạn ổn định trong ngưỡng mục tiêu 2,0% - 3,0%. Liên quan tới kinh tế Úc, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước này ở mức 56,2 điểm trong tháng 3, giảm khá mạnh từ mức 60,0 điểm của tháng 2. Ở chiều ngược lại, PMI lĩnh vực xây dựng đạt mức 56,5 điểm trong tháng vừa qua, tăng lên từ 53,4 điểm của tháng trước đó.
Cuối cùng, cán cân thương mại của Úc thặng dư 7,46 tỷ AUD trong tháng 2, thấp hơn so với mức thặng dư 11,79 tỷ của tháng 1 và đồng thời thấp hơn mức thặng dư 11,7 tỷ theo dự báo.
Eurozone ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, doanh số bán lẻ tại khu vực này tăng 0,3% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 0,2% của tháng trước đó nhưng thấp hơn so với mức tăng 0,6% theo kỳ vọng.
Tiếp theo, PMI lĩnh vực dịch vụ của Eurozone chính thức ở mức 55,6 điểm trong tháng 3, điều chỉnh tăng nhẹ từ mức 54,8 điểm theo khảo sát sơ bộ. Tại nước Đức, cán cân thương mại nước này thặng dư 11,5 tỷ EUR trong tháng 2, cao hơn mức 8,8 tỷ của tháng 1 và vượt nhẹ kỳ vọng thặng dư 11,3 tỷ. Giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Đức giảm 2,2% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 2,3% ở tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,2% theo dự báo. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp Đức tăng 0,2% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 1,4% của tháng trước đó và cao hơn mức tăng 0,1% theo dự báo.
Tỷ giá ngày 11/04: USD = 0.919 EUR (-0.06% d/d); EUR = 1.088 USD (0.06% d/d); USD = 0.768 GBP (0.02% d/d); GBP = 1.303 USD (-0.02% d/d); GBP = 1.197 EUR (-0.08% d/d); EUR = 0.835 GBP (0.08% d/d).