Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 28/3-1/4
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 21-25/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 14-18/3 |
Tổng quan
Kết quả tăng trưởng kinh tế GDP Quý 1/2022 của Việt Nam khả quan cho thấy triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay của Việt Nam đạt mức khá 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 4,72% được ghi nhận trong quý I năm 2021. Việt Nam đạt mức tăng trưởng khá trong quý đầu tiên bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và bất ổn địa chính trị toàn cầu.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng GDP vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý vừa qua cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý 1 năm 2021, đóng góp 2,42 đpt vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 đpt. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 đpt mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I năm 2021, đóng góp 0,16 đpt. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ trong quý 1 năm 2022 hồi phục khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại.
Điều này cũng được nhiều tổ chức quốc tế cũng như chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong quý 2 cũng như cả năm 2022. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023 nhờ tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và dòng vốn FDI. Fitch Ratings cũng công bố xếp hạng phát hành ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức "BB" với Triển vọng Tích cực. Fitch Ratings đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn duy trì tăng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022.
Cùng với đó, Fitch Ratings ghi nhận việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhờ vào thành công của Việt Nam trong việc ổn định nợ công, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, dự trữ ngoại hối được bồi đắp trong thời gian qua đang đạt mức cao kỷ lục, tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài. Công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics có trụ sở ở London kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới, và dự báo GDP sẽ tăng trưởng 8,8% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu chính thức là 6,0% đến 6,5%, sau mức tăng trưởng 2,58% của năm ngoái. Hãng Bloomberg nhận định, GDP của Việt Nam dự kiến tăng 6,0%-6,5% vào năm 2022.
Tuy nhiên, Capital Economics cũng cảnh báo rằng có những trở ngại mới đang xuất hiện. Giá dầu cao hơn sẽ kéo theo sự phục hồi của người tiêu dùng tăng chậm hơn trong khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, kìm hãm xuất khẩu trong khi quy mô các đợt phong toả ở Trung Quốc có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng. VinaCapital cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 từ mức 7,5% hồi cuối tháng 1 xuống còn 6,5% khi cho rằng cản trở đối với nền kinh tế Việt Nam do giá năng lượng tăng cao, chậm tái mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch nước ngoài. Thậm chí, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn căng thẳng, tăng trưởng GDP ở một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… được dự báo giảm, mục tiêu tăng trưởng 6,0%-6,5% trở nên khá thách thức.
Một thông tin được quan tâm nữa trong tuần qua là việc giá xăng dầu được điều chỉnh. Liên bộ Công thương - Tài chính thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu từ ngày 01/04, trên cơ sở thực hiện nghị quyết số 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 01/04 đến 31/12/2022. Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 1.021 đồng/lít, từ mức 28.330 đồng/lít giảm còn 27.309 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 1.039 đồng/lít, từ 29.190 đồng/lít giảm còn 28.153 đồng/lít; Dầu diesel tăng 1.447 đồng/lít, từ giá 23.638 đồng/lít lên mức 25.080 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 1.519 đồng/lít, từ mức 22.248 đồng/lít tăng lên 23.764 đồng/lít; Dầu mazut tăng 506 đồng/lít, lên mức 20.929 đồng/lít.
Lý giải việc giá xăng dầu không giảm tương ứng với mức giảm thuế, Bộ Công thương cho biết do giá xăng dầu thế giới, nhất là giá các loại dầu có mức tăng cao nên liên bộ Công thương - Tài chính đã phải sử dụng kết hợp công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức hợp lý (điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu) để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với mức tăng của giá thế giới.
Theo đó, nếu thuế bảo vệ môi trường như mức cũ, giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành này sẽ tăng từ 1.069 - 2.789 đồng/lít, kg (cụ thể xăng E5RON92 tăng 1.069 đồng/lít, xăng RON95 tăng 1.161 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.547 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.789 đồng/lít, dầu mazut tăng 1.606 đồng/lít).
Tóm lược thị trường trong nước từ 28/03 - 01/04
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 28/03 - 01/04, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết theo xu hướng giảm ở hầu hết các phiên. Phiên cuối tuần 01/04, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.095 VND/USD, giảm mạnh 56 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.
Tỷ giá LNH tăng – giảm đan xen khá mạnh qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 01/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.779 VND/USD, giảm 29 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do không biến động nhiều trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 01/04, tỷ giá tự do tăng 05 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 15 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.305 VND/USD và 23.345 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 28/03 - 01/04, lãi suất VND LNH giảm phiên đầu tuần, sau đó tăng trở lại. Chốt ngày 01/04, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,08% (-0,02 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,25% (+0,01 đpt); 2W 2,25 (+0,05 đpt); 1M 2,25% (+0,14 đpt).
Lãi suất USD LNH tuần qua vẫn duy trì xu hướng tăng nhẹ. Chốt tuần 01/04, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,06 – 0,12 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: ON 0,34% (+0,08 đpt); 1W 0,43% (+0,12 đpt); 2W 0,47% (+0,10 đpt) và 1M 0,54% (+0,06 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 28/03 - 01/04, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 3794,33 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 316 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 3.478,33 tỷ VND ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 4.508,84 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 30/03, KBNN gọi thầu 5.000 tỷ đồng TPCP ở ba loại kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm. Phiên đấu thầu thất bại. Vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất tăng từ 4 – 5 điểm tùy kỳ hạn, trong khi vùng lãi đặt thầu cao nhất tăng mạnh 25 điểm đối với kỳ hạn 30 năm và giữ nguyên ở hai kỳ hạn 10 năm và 15 năm. Trong tuần có 300 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Trong tuần này từ 04/04 - 08/04 không có TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.228 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 13.707 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động trái chiều ở các kỳ hạn. Chốt phiên 01/04, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,57% (-0,05 đpt); 2 năm 1,67% (-0,01 đpt); 3 năm 1,71% (không thay đổi); 5 năm 1,75% (+0,03đpt); 7 năm 2,01% (+0,04 đpt); 10 năm 2,4% (0 đpt); 15 năm 2,68% (-0,01 đpt); 30 năm 3,06% (-0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 28/03 - 01/04, thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc tăng – giảm khá mạnh qua các phiên. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 01/04, VN-Index đứng ở mức 1.516,44 điểm, tương ứng tăng 17,94 điểm (+1,20%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 7,65 điểm (-1,66%) xuống 454,10 điểm; UPCom-Index tăng nhẹ 0,19 điểm (+0,16%) lên 117,19 điểm.
Thanh khoản thị trường nhích nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 30.400 tỷ đồng/phiên. Mặc dù có vài phiên mua ròng nhưng chốt tuần khối ngoại vẫn bán ròng hơn 262 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, GDP nước này chính thức tăng 6,9% q/q trong quý cuối năm 2021, điều chỉnh nhẹ từ mức tăng 7,0% theo báo cáo sơ bộ. Như vậy, cả năm 2021, GDP Mỹ tăng 5,7%, sau khi suy giảm 3,4% năm 2020. Về chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân, PCE lõi tại Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng trước đó và khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2021, chỉ số này tăng tới 5,4%; là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 04/1993.
Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 26/03 ở mức 202 nghìn đơn, tăng so với mức 187 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt nhẹ mức 200 nghìn đơn theo dự báo. Trong tháng 3, nước Mỹ tạo ra 431 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, thấp hơn so với mức 750 nghìn của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 492 nghìn theo kỳ vọng.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tháng 3 của nước này giảm đáng kể xuống 3,6% từ mức 3,8% của tháng 2. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động Mỹ tiếp tục tăng 0,4% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà tăng nhẹ 0,1% của tháng 2. Cuối cùng, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất trong tháng 3 do ISM khảo sát được ở mức 57,1%; giảm từ 58,6% của tháng 2 và trái với kỳ vọng tăng lên thành 58,9%.
Thống đốc NHTW Anh cảnh báo về triển vọng kinh tế, đồng thời nước này cũng ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý. Cụ thể, Thống đốc NHTW Anh – ông Andrew Bailey tuần qua khẳng định nước này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nhất cho nền kinh tế kể từ sau khủng hoảng tài chính đầu thế kỷ 21. Ông cũng cho biết BOE sẽ dành thời gian để đánh giá đúng về những hậu quả của Covid-19 và cuộc chiến tranh tại Ukraine trước khi có những điều chỉnh mới về LSCS. Liên quan tới các chỉ báo kinh tế Anh, GDP nước này chính thức tăng 1,3% q/q trong quý 4/2021, cao hơn so với mức 1,0% theo kết quả thống kê sơ bộ.
Tuy nhiên, GDP nước Anh cả năm 2021 tăng 7,4%; điều chỉnh nhẹ xuống từ mức tăng 7,5% theo báo cáo trước đây. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Anh do IHS Markit khảo sát chính thức ở mức 55,2 điểm, điều chỉnh xuống từ mức 55,5 điểm theo kết quả sơ bộ. Cuối cùng, chỉ số giá nhà tại nước này tăng 1,1% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà tăng 1,7% của tháng 2 và vượt khá mạnh so với kỳ vọng tăng 0,5%.
Nước Đức đón nhiều thông tin kinh tế tiêu cực. Đầu tiên, niềm tin tiêu dùng tại nước này ở mức -15,5 điểm trong tháng 4, giảm từ -8,5 điểm của tháng 3 và xuống thấp hơn so với mức -14,6 điểm theo dự báo của các chuyên gia. Doanh số bán lẻ tại nước Đức trong tháng 2 chỉ tăng nhẹ 0,3% sau khi tăng 1,4% ở tháng 1, không đạt kỳ vọng tăng 0,5%. Ở thị trường lao động, nước này giảm 18 nghìn việc làm trong tháng 2, gần khớp với dự báo ở mức 19 nghìn, đồng thời đánh dấu tháng giảm thứ 11 liên tiếp. Liên quan tới Eurozone, CPI sơ bộ của khu vực này tăng 7,5% y/y trong tháng 3, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,9% của tháng trước đó và đồng thời vượt qua dự báo tăng 6,7%.
Tỷ giá ngày 01/04: USD = 0.905 EUR (0.11% d/d); EUR = 1.105 USD (-0.11% d/d); USD = 0.763 GBP (0.16% d/d); GBP = 1.311 USD (-0.16% d/d); GBP = 1.186 EUR (-0.05% d/d); EUR = 0.843 GBP (0.05% d/d).