Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 14-18/3
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 7-11/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 28/2-4/3 |
Tổng quan
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không nhiều là nhận định chung của các chuyên gia phân tích kinh tế.
Như đã đưa tin, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed hôm 16/03 đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 3 năm, động thái nhằm giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng. Sau khi duy trì lãi suất cơ bản cố định gần mức 0 kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, FED quyết định tăng 0,25 đpt lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất của Fed lên mức từ 0,25% – 0,5%.
Fed dự kiến còn 6 đợt nâng lãi suất nữa trong năm 2022 và lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm nay. Fed cũng dự kiến tăng lãi suất thêm 3 lần nữa vào năm 2023 và không tăng vào năm sau đó. Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu sau cuộc họp kéo dài hai ngày rằng kinh tế Mỹ đủ mạnh để vượt qua các đợt tăng lãi suất và duy trì mức tăng trưởng tiền lương cũng như tuyển dụng mạnh mẽ hiện tại, trong khi Fed cần tập trung vào việc hạn chế tác động của tình trạng giá cả leo thang đối với các gia đình Mỹ.
Lạm phát hằng năm được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE, thước đo được Fed sử dụng, đạt 6,1% vào tháng 01/2022, gấp ba lần mục tiêu trung bình hằng năm của Fed là 2%.
Các chuyên gia nhận định, mức độ ảnh hưởng của sự kiện này tới Việt Nam là không lớn, khi quan tâm tới các yếu tố như tỷ giá, lãi suất, dòng vốn đầu tư. Việc này sẽ khiến cho chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng đồng USD bị tăng lên; sẽ tác động một phần vào tỷ giá vì USD tăng giá và tỷ giá sẽ tăng nhẹ. Lãi suất sẽ chịu áp lực tăng để thu hút vốn.
Bên cạnh đó là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, khi Fed tăng lãi suất, dòng vốn sẽ về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn. Cụ thể hơn, về mặt tỷ giá, các nhà phân tích cho rằng, lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước.
Các yếu tố liên quan đến tỷ giá trong nước đều đang thuận lợi: quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao đạt mức gần 110 tỷ USD là tấm nệm an toàn khá vững chắc cho nền kinh tế; cán cân thanh toán thặng dư; nguồn kiều hối ổn định, ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4%/năm; giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh; việc điều hành tỷ giá của NHNN những năm gần đây tương đối linh hoạt, nhịp nhàng, ngày càng sát hơn với thị trường.
Về mặt bằng lãi suất, có khả năng lãi suất tại Việt Nam sẽ nhích lên trong năm 2022, tuy nhiên điều này ít liên thông với tác động đến từ việc Fed tăng LSCS mà chủ yếu do nhu cầu đầu tư phục vụ SX-KD tăng sau khi Chính phủ cho phép mở cửa nền kinh tế. Thực tế, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, NHNN cũng phát đi thông điệp về việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm nay. Cụ thể, NHNN hiện đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 – 1 đpt trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Về sự dịch chuyển của dòng vốn, khả năng dịch chuyển vốn khỏi Việt Nam không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn. Kết quả hoạt động kinh tế năm qua cũng như những dự báo lạc quan về sự phục hồi kinh tế trong năm 2022 là một yếu tố quan trọng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đã đạt 2,58% và dự báo có thể phục hồi lên mức 6,5 - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dự báo sẽ chỉ quanh mức 3,4 - 3,7% trong năm 2022. Thực tế, dòng vốn ngoại vẫn duy trì ở mức ổn định trong 2 tháng đầu năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện tại Việt Nam 2 tháng ước tính đạt 2,68 tỷ USD, tăng khoảng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tóm lại, kinh tế - chính trị thế giới còn nhiều biến động, đặc biệt là các động thái của các NHTW lớn và những chính sách liên quan tới chiến sự tại Ukraine. Việc duy trì ổn định các yếu tố như tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ là ưu tiên của các nhà điều hành Việt Nam để đối phó với rủi ro từ bên ngoài.
Giới chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% trong năm 2022, tương đồng với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra; NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1% trong 2 năm.
Tóm lược thị trường trong nước từ 14/03 - 18/03
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 14/03 - 18/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở 3 phiên đầu tuần và giảm mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt phiên 18/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.142 VND/USD, giảm 22 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.
Tỷ giá LNH tăng – giảm đan xen qua các phiên trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 18/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.799 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do có xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 18/03, tỷ giá tự do giảm 45 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.385 VND/USD và 23.425 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 14/03 - 18/03, lãi suất VND LNH biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 18/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,12% (-0,02 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,24% (+0,06 đpt); 2W 2,28% (+0,06 đpt); 1M 2,16% (không thay đổi).
Lãi suất USD LNH tuần qua đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Chốt tuần 18/03, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,07 – 0,08 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: ON 0,24% (+0,08 đpt); 1W 0,29% (+0,08 đpt); 2W 0,36% (+0,08 đpt) và 1M 0,48% (+0,08 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 14/03 - 18/03, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 316 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 678,12 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 362,12 tỷ VND từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 1.335 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 16/03, KBNN huy động thành công 2.780/6.500 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 43%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm đấu thầu thất bại, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.000/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động 280/2.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu từng kỳ hạn tại 10 năm 2,17%/năm (+0,02%); 15 năm 2,47%/năm (+0,02%); và 30 năm 3%/năm (không thay đổi). Trong tuần có 300 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Trong tuần này từ 21/03 - 25/03, có 400 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.056 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 11.041 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng mạnh so với cuối tuần trước đó ở hầu hết các kỳ hạn.
Chốt phiên 18/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh mức: 1 năm 1,47% (+0,60 đpt); 2 năm 1,61% (+0,64 đpt); 3 năm 1,65% (+0,60 đpt); 5 năm 1,72% (+0,61 đpt); 7 năm 1,85% (+0,35 đpt); 10 năm 2,33% (+0,13 đpt); 15 năm 2,65% (+0,11 đpt); 30 năm 3,04% (+0,05 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 14/03 - 18/03, thị trường chứng khoán Việt Nam tuy vẫn chịu tác động tiêu cực phiên đầu tuần nhưng đã dần hồi phục trở lại các phiên sau đó. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 18/03, VN-Index đứng ở mức 1.469,10 điểm, tương ứng tăng nhẹ 2,56 điểm (+0,17%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng tích cực 9,01 điểm (+2,04%) đạt 451,21 điểm; UPCom-Index tăng 0,67 điểm (+0,58%) lên 116,04 điểm.
Thanh khoản thị trường sụt giảm với giá trị giao dịch trung bình gần 25.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.690 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed và NHTW Anh BOE cùng tăng LSCS trong tuần vừa qua, trong khi NHTW Nhật Bản BOJ vẫn duy trì LSCS ở mức thấp. Cụ thể, đầu tiên, về Fed, cơ quan này ngày 16/03 quyết định tăng LSCS 0,25 đpt, lên mức từ 0,25% – 0,5%. Bên cạnh đó, biều đồ Dot-plot mới của Fed cho thấy có thể có thêm 6 lần tăng LSCS trong năm 2022 (nếu mỗi lần tăng 0,25 đpt), lên mức 1,75% - 2,0%.
Ngoài ra, Fed cũng tuyên bố sẽ bắt đầu giảm việc nắm giữ các loại trái phiếu trong một phiên họp sắp tới. Như vậy, đây là lần đầu tiên Fed tăng LSCS trở lại sau 3 năm, nhằm giảm áp lực lạm phát đang phình lên rất nhanh trong thời gian vừa qua.
Tiếp theo, tại Anh, BOE ngày 17/03 quyết định nâng mức LSCS 25 đpt, từ 0,50% lên 0,75%. Cơ quan này cho biết cần phải có chính sách cứng rắn hơn để đối mặt với áp lực lạm phát, bất chấp tác động tiêu cực mà cuộc chiến Nga – Ukaine có thể mang lại với nền kinh tế Anh.
Cuối cùng, tại Nhật Bản, BOJ trong cuộc họp ngày 18/03 duy trì LSCS ở mức thấp -0,1%; không thay đổi gì so với trước đây. Cơ quan này cũng không đề cập tới khả năng thay đổi LSCS trong tương lai.
Nước Mỹ ghi nhận nhiều thông tin kinh tế đáng chú ý. Đầu tiên, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,8% và 0,2% m/m trong tháng 2 sau khi tăng 1,0% và 0,8% tháng trước đó, thấp hơn mức tăng 1,0% và 0,6% theo dự báo.
Tiếp theo, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ lần lượt tăng 0,2% và 0,3% m/m trong tháng 2, thấp hơn mức tăng 0,9% và 0,4% theo dự báo. Tuy nhiên, doanh số của tháng 1 được điều chỉnh thành 4,4% và 4,9% m/m; tích cực hơn rất nhiều so với mức tăng 3,8% và 3,3% theo thống kê sơ bộ.
Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 12/03 ở mức 214 nghìn đơn, giảm nhẹ từ mức 229 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn mức 221 nghìn đơn theo dự báo.
Ở lĩnh vực xây dựng, số cấp phép công trình và số nhà khởi công tại nước này lần lượt đạt 1,86 triệu đơn và 1,77 triệu căn trong tháng vừa qua, cùng cao hơn so với kỳ vọng ở mức 1,84 triệu đơn và 1,70 triệu căn. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp tại Mỹ trong tháng 2 tăng 0,5% m/m; nối tiếp đà tăng 1,4% của tháng trước đó và khớp với dự báo của các chuyên gia.
Eurozone đón nhiều thông tin kinh tế tiêu cực. Đầu tiên, về lạm phát, CPI Eurozone chính thức tăng 5,9% y/y trong tháng 2, điều chỉnh từ mức 5,8% của kết quả thống kê sơ bộ. Tiếp theo, niềm tin kinh tế khu vực này ở mức -38,7 điểm trong tháng 3, giảm rất mạnh từ mức 48,6 điểm của tháng 2 và thậm chí thấp hơn rất nhiều so với mức 10,3 điểm theo dự báo.
Riêng tại nước Đức, chỉ số niềm tin cũng tụt xuống mức -39,3 điểm từ mức 54,3 điểm của tháng 2. Đây là đợt suy giảm niềm tin lớn nhất tại Eurozone kể từ khi ZEW bắt đầu thực hiện khảo sát từ tháng 12/1991. Cuối cùng, sản lượng công nghiệp Eurozone đi ngang trong tháng 1 sau khi tăng 1,3% ở tháng 12/2021, khớp với những gì được dự báo.
Tỷ giá ngày 18/03: USD = 0.905 EUR (0.31% d/d); EUR = 1.106 USD (-0.31% d/d); USD = 0.759 GBP (-0.26% d/d); GBP = 1.318 USD (0.26% d/d); GBP = 1.192 EUR (0.56% d/d); EUR = 0.839 GBP (-0.56% d/d).