Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 7-11/3
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 28/2-4/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 21-25/2 |
Tổng quan:
Mặc dù giá dầu thế giới đã giảm trở lại trong tuần vừa qua, nhiều chuyên gia vẫn dự báo giá dầu trong trung hạn vẫn ở mức cao. Không nằm ngoài ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu của Việt Nam cũng mới được điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp.
Giá dầu thế giới liên tục leo thang, lên cao nhất vào ngày 08/03/2021 khi Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga do xung đột tại Ukraine. Quyết định này của Mỹ được sự ủng hộ của Anh ngay sau đó.
Dầu Brent đã tăng lên 131 USD/thùng khi Mỹ ban hành lệnh cấm. Dầu WTI cũng tăng lên 127 USD/thùng. Đến nay, giá dầu đã tăng trên 45% so với cuối năm ngoái, và tăng gần 18% kể từ khi xảy ra xung đột. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, giá dầu đã hạ nhiệt, giảm gần 5,5% so với tuần trước đó sau khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bơm thêm dầu ra thị trường nhằm bù đắp vào sự gián đoạn nguồn cung dầu của Nga do căng thẳng với Ukraine.
Cùng với đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/03 khẳng định nước này sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu năng lượng. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là động thái tạm thời hỗ trợ giá dầu mỏ, và nhiều nhận định bi quan vẫn được đưa ra.
Các chuyên gia nhận định giá dầu sẽ vẫn ở mức cao ít nhất là trong tương lai gần và nhiều tổ chức đã điều chỉnh tăng dự báo giá dầu. Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho hay 125 USD/thùng – mức dự báo ngắn hạn đối với dầu Brent - là mức trần “mềm” cho giá dầu, con số trên có thể tăng cao hơn nữa.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng gia tăng trong thời gian dài ở Ukraine có thể đẩy giá dầu Brent lên trên 150 USD/thùng. Các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America (Mỹ) cũng ước tính, nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày hoặc cao hơn. Việc này có thể đẩy giá lên tới 200 USD/thùng.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, thế giới có thể phải đối mặt với một trong những cú sốc năng lượng lớn nhất từ trước đến nay, khi căng thẳng Nga - Ukraine chưa đi đến hồi kết và các nước phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Moskva. Trong báo cáo mới nhất, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2022 lên 135 USD/thùng, tăng từ mức 98 USD/thùng trước đó. Ngân hàng hiện dự kiến giá dầu Brent giao dịch ở mức 115 USD/thùng vào năm tới, tăng từ ước tính 105 USD/thùng trước đó.
Một vấn đề nữa là nếu nguồn xuất khẩu dầu và khí đốt từ Nga bị giảm, các nước sẽ mất nhiều thời gian và tiền của để tìm nguồn thay thế. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nhà XK dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Năm 2021, nước này cung cấp 8 triệu thùng dầu mỗi ngày cho thị trường toàn cầu. Khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu, trong khi đó chỉ có 2% tới Anh và 8% tới Mỹ. Khoảng 20% lượng dầu xuất khẩu của Nga tới Trung Quốc. Các nhà phân tích phương tây ước tính, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga đã giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày và có thể giảm thêm 2 triệu thùng/ngày trong tuần tới.
Các thành viên OPEC có thể cung cấp tăng sản lượng dầu cao hơn là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), ở mức độ thấp hơn là Kuwait và Iraq. Song, với tổng công suất dự trữ ước tính chỉ từ 2,5- 3 triệu thùng/ngày, sản lượng này sẽ không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm XK của Nga. Về lý thuyết, giá dầu sẽ giảm nếu các nước vùng Vịnh tăng sản lượng dầu.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn dự trữ sẽ hạn chế khả năng điều động của các nước sản xuất dầu trong trường hợp nguồn cung gián đoạn và việc định giá sẽ phải tính đến điều này. Kể cả khi các nước vùng Vịnh sử dụng đến nguồn dự trữ, giá dầu có thể không giảm nhiều và thị trường sẽ dễ bị tổn thương trước bất kỳ cú sốc gián đoạn nguồn cung nào mà không nhà cung cấp nào có thể giải quyết được.
Đồng thời, dịch bệnh hơn 2 năm qua đã khiến các nhà sản xuất dầu giảm đầu tư vào ngành này, khiến cho việc tăng sản lượng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo mới đây cảnh báo, thế giới không thể thay thế lượng dầu XK của Nga, đồng thời kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng.
Tại Việt Nam, giá xăng liên tục được điều chỉnh lần thứ 6 liên tiếp vào ngày 11/03 vừa qua. Cụ thể: giá xăng E5RON92 tăng thêm 2.910 đồng/lít, lên mức 28.980 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 2.990 đồng/lít, lên mức 29.820 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng điều chỉnh tăng, gồm dầu diesel tăng thêm 3.940 đồng/lít, lên mức 25.260 đồng/lít; dầu hỏa lên mức 23.910 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, xăng E5RON95 đã tăng hơn 5.800 đồng/lít, xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít, dầu diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000 đồng/lít, dầu hỏa tăng hơn 6.700 đồng/lít, dầu mazut tăng trên 4.600 đồng/kg.
Tóm lược thị trường trong nước từ 07/03 - 11/03
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 07/03 - 11/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh chủ yếu theo xu hướng tăng. Chốt phiên 11/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.164 VND/USD, tăng 13 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được niêm yết ở mức 23.050 VND/USD.
Tỷ giá LNH cũng diễn biến theo xu hướng tăng khá mạnh trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 11/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 22.809 VND/USD, tăng 39 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục tăng – giảm đan xen trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 11/03, tỷ giá tự do giữ nguyên ở chiều mua vào trong khi tăng 05 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.430 VND/USD và 23.485 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 07/03 - 11/03, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động theo xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ tăng ở kỳ hạn 1M. Chốt ngày 11/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,14% (-0,14 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,18% (-0,12 đpt); 2W 2,22% (-0,05 đpt); 1M 2,16% (+0,03 đpt).
Lãi suất USD LNH tiếp tục ít biến động trong tuần qua. Chốt tuần 11/03, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,01 – 0,07 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: ON 0,16%; 1W 0,21%; 2W 0,28% và 1M 0,41%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 07/03 - 11/03, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Có 1.019 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 918 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 101 tỷ VND ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này tăng lên mức 1.697,12 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 09/03, KBNN gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP. Khối lượng gọi thầu các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm lần lượt là 1.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại. Vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất – cao nhất đồng loạt tăng so với phiên trước đó, với mức tăng phổ biến từ 10 – 30 điểm. Trong tuần vừa qua có 4.750 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Tuần này từ 14/03 - 18/03, có 300 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.041 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 12.103 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP điều chỉnh giảm so với cuối tuần trước đó ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 11/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,35% (+0,01 đpt); 2 năm 1,43% (-0,07 đpt); 3 năm 1,46% (-0,09 đpt); 5 năm 1,52% (-0,08đpt); 7 năm 1,73% (-0,05 đpt); 10 năm 2,27% (-0,02 đpt); 15 năm 2,61% (-0,04 đpt); 30 năm 3,04% (không thay đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 07/03 - 11/03, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ biến động trên thế giới, giảm khá mạnh ở 2 sàn chính. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 11/03, VN-Index đứng ở mức 1.466,54 điểm, tương ứng giảm 38,79 điểm (-2,58%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 8,39 điểm (-1,86%) xuống 442,20 điểm; UPCom-Index tăng 2,08 điểm (+1,84%) lên 115,37 điểm.
Thanh khoản thị trường tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình khoảng 32.800 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 3.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng, đặc biệt cho thấy áp lực lạm phát đã ở mức quá cao. Cụ thể, CPI toàn phần và CPI lõi của nước Mỹ lần lượt tăng 0,8% và 0,5% m/m trong tháng 2, sau khi cùng tăng 0,6% ở tháng trước đó, và đều khớp với dự báo của các chuyên gia.
Theo đó, CPI toàn phần của nước Mỹ trong tháng vừa qua đã tăng tới 7,9% so với cùng kỳ năm 2021; là mức tăng y/y cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Tiếp theo, cán cân thương mại hàng hóa của nước này thâm hụt 89,7 tỷ USD trong tháng 1, sâu hơn mức thâm hụt 82,0 tỷ của tháng 12/2021 và đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 87,5 tỷ theo dự báo.
Ở lĩnh vực việc làm, nước Mỹ tạo ra 11,26 triệu cơ hội việc làm mới trong tháng 1, gần bằng mức 11,45 triệu của tháng trước đó và vượt qua mức 10,96 triệu theo kỳ vọng của các chuyên gia. Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 05/03 ở mức 227 nghìn đơn, tăng từ mức 216 nghìn đơn của tuần trước đó và lớn hơn mức 220 nghìn đơn theo dự báo. Cuối cùng, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát ở mức 58,7 điểm trong tháng 3, giảm từ 62,8 điểm của tháng 2 và không đạt mức 61,4 điểm theo dự báo.
Trong tuần này, NHTW Mỹ Fed sẽ có cuộc họp quan trọng vào ngày 15-16/03. Kết quả cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 17/03 theo giờ Việt Nam. CME – Mỹ dự báo tỷ lệ Fed nâng LSCS từ 0,0% - 0,25 lên 0,25% - 0,50% là 95%; khả năng cơ quan này không thay đổi LSCS chỉ là 5%.
NHTW Châu Âu ECB không thay đổi CSTT trong cuộc họp tháng 3. Bên cạnh đó, nước Đức ghi nhận một số chỉ báo kinh tế tích cực. Về ECB, cơ quan này duy trì LS tái cấp vốn ở mức 0,0%; LS cho vay cận biên 0,25% và LS tiền gửi -0,5%. Bên cạnh đó, ECB thông báo tiếp tục chương trình mua tài sản APP với 40 tỷ EUR trong tháng 4; 30 tỷ trong tháng 5 và 20 tỷ trong tháng 6. Mức độ mua trong quý 3 sẽ phụ thuộc vào dữ liệu thị trường giai đoạn tới.
Tiếp theo, về chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch PEPP, ECB không có sự thay đổi nào, vẫn tiếp tục giảm dần tốc độ mua và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào cuối tháng 03/2022. Các tài sản đáo hạn trong tương lai theo PEPP sẽ được tái đầu tư cho tới cuối năm 2024. ECB cam kết thực hiện bất cứ chính sách nào cần thiết để đạt mục tiêp lạm phát trung hạn ở mức 2,0%. Liên quan tới kinh tế Đức, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại quốc gia này tăng mạnh 1,8% m/m trong tháng 01/2022, nối tiếp đà tăng 3,0% của tháng trước đó và vượt so với mức tăng 0,9% theo dự báo.
Như vậy, trong tháng đầu năm, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Đức tăng tới 7,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Đức tăng 2,7% m/m trong tháng đầu năm 2021, nối tiếp mức tăng 1,1% của tháng trước đó và vượt kỳ vọng tăng 0,5%. Cuối cùng, Berlin cho biết doanh số bán lẻ hồi phục 2,0% m/m trong tháng 1 sau khi giảm mạnh 4,6% ở tháng 12/2021, gần khớp với mức tăng 1,9% theo kỳ vọng.
Tỷ giá ngày 11/03: USD = 0.917 EUR (0.67% d/d); EUR = 1.091 USD (-0.67% d/d); USD = 0.767 GBP (0.36% d/d); GBP = 1.304 USD (-0.36% d/d); GBP = 1.195 EUR (0.32% d/d); EUR = 0.837 GBP (-0.32% d/d).