Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 16-20/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 9-13/5 |
Tổng quan
Sau khi có số liệu kinh tế tháng 4/2022, GDP năm 2022 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, bị nhiều tổ chức hạ dự báo xuống thấp hơn mục tiêu do Chính phủ nước này đề ra.
Nền kinh tế Trung Quốc đã khởi đầu tốt vào đầu năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng 4,8% trong quý I. Nhưng những nỗ lực của nước này nhằm kiềm chế làn sóng bùng phát Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào các hoạt động kể kinh tế từ tháng 3, khiến tăng thêm lo ngại về việc tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới có thể chậm lại trong quý II và cả năm 2022.
Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/05 cho thấy, sản xuất công nghiệp, một thước đo hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khai khoáng..., đã giảm 2,9% trong tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ khi sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm 25,87% vào tháng 2/2020 khi đại dịch bùng phát mạnh ở Vũ Hán, thấp hơn kỳ vọng của thị trường cũng như mức tăng 5% trong tháng 3. Việc đóng cửa toàn bộ hoặc một phần đã được áp đặt tại nhiều thành phố trong tháng 3 và tháng 4, bao gồm cả việc đóng cửa kéo dài ở trung tâm tài chính Thượng Hải, khiến việc mua sắm của người dân bị hạn chế, làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng.
Cũng theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, doanh số bán lẻ trong tháng 4 của nước này đã giảm 11,1% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Dịch vụ ăn uống bị đình chỉ ở một số tỉnh, thành khiến doanh thu tháng 4 giảm 22,7%. Doanh số bán ô tô cũng giảm 47,6% so với một năm trước do các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng. Áp lực còn đè nặng lên thị trường việc làm, vốn được các nhà lãnh đạo Trung Quốc ưu tiên cho sự ổn định kinh tế xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát toàn quốc của Trung Quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 và cao hơn mục tiêu của chính phủ đề ra năm 2022 là dưới 5,5%.
Cùng với việc thúc đẩy khôi phục sản xuất, cũng như thực thi hàng loạt chính sách và biện pháp vực dậy nền kinh tế, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ được cải thiện kể từ tháng 5. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhiều tổ chức quốc tế nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay khó đạt mục tiêu đề ra là khoảng 5,5%, mà chỉ từ 4,2%-4,8%.
Cụ thể, Ngân hàng Thế giới WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống 5% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 5,4%. Fitch Ratings cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,3%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu chính thức mà chính phủ nước này đặt ra. Tương tự, Goldman Sachs giảm dự báo GDP Trung Quốc từ 4,5% xuống 4%. JPMorgan cũng hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc từ 4,6% xuống 4,3%. Morgan Stanley cũng có động thái tương tự khi công bố con số giảm từ 4,6% xuống 4,2%.
Về mặt đầu tư, một nghiên cứu của Phòng Thương Mại EU tại Trung Quốc được công bố ngày 05/05/2022 kết luận, thị trường Trung Quốc đang càng lúc càng trở nên kém hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Châu Âu. Trong số hơn 370 doanh nghiệp Châu Âu được hỏi trong nghiên cứu này, 60% cho rằng thu nhập của họ sẽ sụt giảm trong năm nay, 77% cho rằng Trung Quốc kém hấp dẫn hơn và nghiêm trọng hơn cả là 23% nghĩ rằng họ sẽ di dời một phần đầu tư của họ, dự định đang thực hiện hoặc đã lên kế hoạch, đặc biệt qua vùng Nam Á và Đông Nam Á.
Đối với Việt Nam, Việt Nam có thể nhận được ảnh hưởng tích cực với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể dịch chuyển khỏi Trung Quốc, không chỉ riêng các doanh nghiệp Châu Âu mà cả các DN Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Về thương mại, Trung Quốc hiện tại là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch XNK trong năm 2021 đạt 166 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 24,81% tổng kim ngạch XNK của nước ta. Các mặt hàng NK chính từ Trung Quốc bao gồm Máy móc, thiệt bị, dụng cụ, phụ tùng; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Ngoài ra một số ngành khác chiếm tỷ trọng nhỏ hơn có thể kể đến như: sản phẩm liên quan đến ngành dệt may, Sắt thép, Hóa chất, Phân bón…
Các mặt hàng XK chính sang Trung Quốc bao gồm Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính và linh kiện. Một số ngành khác chiếm tỷ trọng thấp hơn gồm có: nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm dệt may, Sắt thép các loại, Thủy hải sản, các sản phẩm hóa chất… Việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các thành phố lớn và kinh tế nước này tăng trưởng chậm trong thời gian tới sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụ thể đối với một số ngành trọng điểm, việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột. Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ; do đó, khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.
Ngoài ra, việc này sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương giữa hai nước, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống Cảng Việt Nam. Đối với dệt may, việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa sẽ có ảnh hưởng đan xen đối với ngành này tại Việt Nam. Về mặt tiêu cực, trong trường hợp mở rộng phong tỏa toàn bộ tỉnh Quảng Đông, quy trình sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy. Song một số đơn hàng dệt may sẽ tiếp tục xu hưởng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí thấp hơn, trong đó có Việt Nam.
Tóm lược thị trường trong nước từ 16/05 - 20/05
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 16/05 - 20/05, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng giảm nhẹ qua hầu hết các phiên ngoại trừ phiên 18/05 giảm mạnh 20 đồng. Phiên cuối tuần 20/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.145 VND/USD, giảm 18 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.250 VND/USD.
Tỷ giá LNH tiếp tục xu hướng tăng từ tuần trước đó. Chốt tuần 20/05, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.172 VND/USD, tăng 78 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Đà tăng của tỷ giá trên thị trường tự do vẫn tiếp tục trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 20/05, tỷ giá tự do giảm 205 đồng ở chiều mua vào và 200 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.660 VND/USD và 23.730 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 16/05 - 20/05, lãi suất VND LNH đã giảm trở lại ở tất cả các kỳ hạn qua cả 5 phiên. Chốt ngày 20/05, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,35% (-0,55 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,78% (-0,30 đpt); 2W 2,02 (-0,15 đpt); 1M 2,22% (-0,06 đpt).
Lãi suất USD LNH tuần qua tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 20/05, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,01 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: ON 0,91%; 1W 1,01%; 2W 1,10% và 1M 1,22%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 16/05 - 20/05, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 943,61 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 1.110,94 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 167,33 tỷ VND từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 2.706,56 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 16/05, NHCSXH huy động thành công 1.000/3.000 tỷ đồng TPCPBL gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 33%). Trong đó, toàn bộ khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 3 năm, lãi suất giữ tại 2,3%/năm. Các kỳ hạn khác đấu thầu thất bại. Ngày 18/05, KBNN huy động thành công 4.040/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 90%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động thành công toàn bộ 4.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 2,34%/năm (+0,06%) và 2,64%/năm (+0,06%).
Trong tuần vừa qua từ 16-20/05 và trong tuần này từ 23-27/05 đều không có lượng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 23/05, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.500 tỷ đồng các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 25/05, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.665 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh từ mức 9.668 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP điều chỉnh giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 20/05, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2% (-0,02 đpt); 2 năm 2,07% (-0,09 đpt); 3 năm 2,1% (-0,13 đpt); 5 năm 2,38% (-0,12đpt); 7 năm 2,85% (-0,09 đpt); 10 năm 3,14% (-0,13 đpt); 15 năm 3,3% (-0,06 đpt); 30 năm 3,41% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 16/05 - 20/05, thị trường chứng khoán đã hồi phục nhẹ trở lại. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 20/05, VN-Index đứng ở mức 1.240,71 điểm, tương ứng tăng 57,94 điểm (+4,90%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,63 điểm (+1,53) đạt 307,02 điểm; UPCom-Index nhích nhẹ 0,50 điểm (+0,53%) lên 94,11 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình trên 15.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng tới 1.140 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Chủ tịch Fed Jerome Powell quyết tâm khống chế lạm phát, đồng thời nước Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần qua. Đầu tiên, liên quan tới Fed, chủ tịch Jerome Powell ngày 18/05 phát biểu rằng những gì mà Fed đang cần nhìn thấy là lạm phát giảm xuống một cách rõ ràng và thuyết phục. Ông khẳng định đạt được sự ổn định của giá cả là một yêu cầu vô điều kiện, vì nền kinh tế sẽ không thuận lợi cho bất kỳ cá nhân hay công ty nào nếu thiếu đi yếu tố này.
Theo đó, nếu lạm phát không giảm, Fed sẽ không ngần ngại tăng LSCS cho tới mức cần thiết, kể cả phải vượt qua các mức được coi là trung lập trong quá khứ. Liên quan tới thông tin kinh tế Mỹ, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tại nước này lần lượt tăng 0,6% và 0,9% m/m tháng 4, nối tiếp đà tăng 2,1% và 1,4% trong tháng 3, gần khớp với mức tăng 0,4% và 1,0% theo dự báo. Ở thị trường xây dựng và bất động sản, số cấp phép xây nhà và số nhà khởi công tại Mỹ trong tháng 4 lần lượt là 1,82 triệu đơn và 1,72 triệu căn, giảm nhẹ từ 1,88 triệu đơn và 1,73 triệu căn của tháng trước đó 3. Doanh số bán nhà cũ tại Mỹ đạt 5,61 triệu căn trong tháng 4, thấp hơn mức 5,77 triệu căn của tháng 3, đồng thời thấp hơn mức 5,65 triệu căn theo kỳ vọng. Cuối cùng, về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 14/05 ở mức 218 nghìn đơn, tăng từ 197 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời vượt qua mức 200 nghìn đơn theo dự báo.
Châu Âu ghi nhận một số chỉ báo kinh tế tích cực, song triển vọng không mấy khả quan. Đầu tiên, theo báo cáo sơ bộ lần 2, GDP của khu vực này tăng 0,3% q/q trong quý đầu năm, điều chỉnh cao hơn so với mức tăng 0,2% như báo cáo sơ bộ lần 1. Theo đó GDP Eurozone tăng 5,1% y/y trong quý vừa qua. Tại khu vực liên minh EU, mức tăng trong quý 1 là 0,4% q/q và 4,7% y/y. Tiếp theo, CPI tại Eurozone chính thức tăng 7,4% y/y trong tháng 4, điều chỉnh thấp xuống từ mức tăng 7,5% theo báo cáo sơ bộ. Mặc dù vậy, ngày 17/05, EC dự báo GDP Eurozone tăng 2,7% trong năm 2022 và 2,3% năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức 4,0% và 2,8% như dự báo ở cuối năm 2021. Lạm phát tại khu vực Eurozone đang cao ở mức 7,5% y/y; song được EC dự báo sẽ hạ nhiệt còn 6,1% vào cuối năm 2022, sau đó giảm tốc mạnh với 2,7% ở năm 2023. Cuối cùng, EC dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 6,7% trong năm nay và giảm xuống còn 6,5% vào năm sau.
Nước Anh đón nhận nhiều thông tin kinh tế trái chiều. Về chiều tích cực, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh giảm xuống còn 3,7% trong tháng 4, tích cực hơn so với kỳ vọng đi ngang ở mức 3,8% như tháng 3. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người dân nước này tăng 7,0% 3m/y trong 3 tháng 02-03-04/2022, cao hơn mức 5,6% của 3 tháng 01-02-03, và đồng thời cao hơn mức 5,4% theo kỳ vọng. Tiếp theo, doanh số bán lẻ của nước Anh tăng 1,4% m/m trong tháng 4 sau khi giảm 1,2% ở tháng trướcc đó, trái với dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,3%.
Về chiều tiêu cực, chỉ số CPI toàn phần và CPI lõi tại nước Anh lần lượt tăng 9,0% và 6,2% y/y trong tháng 4, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,0% và 5,7% ghi nhận trong tháng 3, gần khớp với mức tăng 9,1% và 6,2% theo dự báo. Đây là mức tăng CPI toàn phần lớn nhất của nước này trong hơn 30 năm, kể từ khi được thống kê vào năm 1989.
Tỷ giá ngày 20/05: USD = 0.947 EUR (0.25% d/d); EUR = 1.056 USD (-0.25% d/d); USD = 0.801 GBP (-0.22% d/d); GBP = 1.249 USD (0.22% d/d); GBP = 1.182 EUR (0.46% d/d); EUR = 0.846 GBP (-0.46% d/d).