Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 19-23/9
Tổng quan
Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed tiếp tục nâng lãi suất chính sách, quyết tâm hạ nhiệt lạm phát bất chấp nền kinh tế quốc nội và kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong cuộc họp ngày 21/09 vừa qua, Fed quyết định tăng LSCS 75 đcb lần thứ 3 liên tiếp, lên mức 3,0% - 3,25%; là mức LSCS cao nhất kể từ năm 2008. Biểu đồ dot-plot của Fed cho thấy LSCS có khả năng tăng tiếp, đạt mức 4,4% khi kết thúc năm 2022, sau đó đạt đỉnh ở 4,6% năm 2023, và sẽ chỉ giảm trở lại kể từ năm 2024. Như vậy, Fed có thể có một đợt tăng LSCS 75 điểm lần thứ 4 liên tiếp trong tháng 11, và thêm một lần tăng 50 điểm vào tháng 12/2022.
Trong vòng 20 năm trở lại đây, mức LSCS lớn nhất mà Fed từng áp dụng là 5,25% vào năm 2006, ngay trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó là suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2007-2008. Chủ tịch Fed Jerome Powell trong buổi họp báo cùng ngày 21/09 khẳng định “Việc khôi phục sự ổn định giá cả có thể đòi hỏi phải duy trì lập trường chính sách trong một thời gian. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ hành động quyết liệt để giảm tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2% và sẽ giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi mục tiêu này hoàn tất.”
Cơ quan này dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm tốc xuống mức 0,2% trong năm 2022 và sau đó tăng 1,2% năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân dài hạn. Cũng trong ngày 21/09, ông Powell cho biết, ngăn chặn lạm phát là việc cấp thiết, và sẽ không có cách nào đỡ đau thương hơn để thực hiện mục tiêu này. Ở thời điểm hiện tại, thị trường lao động vẫn là điểm tựa của Fed trong lộ trình tăng lãi suất, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở 3,7% trong tháng 8 và trung bình tạo ra 440 nghìn việc làm mới/tháng trong vòng 8 tháng đầu năm.
Mặc dù vậy, Fed cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng trong tương lai, đạt 3,8% khi kết thúc năm 2022; 4,4% năm 2023 và 2024; chỉ giảm trở lại vào năm 2025. Thêm vào đó, không thể phủ nhận GDP của Mỹ đã suy giảm 2 quý liên tiếp ở nửa đầu 2022 (quý I giảm 1,5% q/q và quý II giảm 0,6% q/q), đánh dấu sự suy thoái kỹ thuật của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thị trường có cơ sở để tin rằng kinh tế Mỹ đối mặt nhiều nguy cơ suy thoái chính thức trong năm 2022 và có thể kéo theo nửa đầu năm 2023. Chính Chủ tịch Powell cũng thừa nhận “Không ai biết liệu quá trình nâng lãi suất mạnh hiện nay có dẫn đến suy thoái hay không hoặc nếu có, thì suy thoái đó sẽ nghiêm trọng như thế nào”.
Cùng với việc tăng lãi suất, Fed còn thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Các chuyên gia nhận định, việc thắt chặt CSTT của Mỹ sẽ tác động tới kinh tế thế giới trên các phương diện chính sau: mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới suy giảm; đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD; kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn, đặc biệt nhập khẩu xăng dầu.
Cùng với đó, LS USD tăng, các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng LS cao; tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Tăng lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước thuộc thị trường mới nổi vì các tổ chức cho vay sẽ đòi trả lãi cao hơn lãi suất khi họ đầu tư an toàn hơn tại Mỹ, gây khó khăn đối với chính phủ các nước thuộc thị trường mới nổi khi đang phải đương đầu với giá năng lượng và lương thực NK tăng cao do đại dịch và cuộc chiến tại Ukraine.
Fed dường như đã kích hoạt làn sóng tăng LS trên thế giới. Tuần vừa qua có NHTW Anh tăng LSCS thêm 50 đcb (cùng ngày 21/09, ngay sau Fed), và trong khu vực Đông Nam Á có NHTW Indonesia và NHTW Philippnes cũng tăng LS thêm 50 đcb (22/09) nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát. Trước đó, ngày 21/07, NHTW Châu Âu ECB tăng lãi suất cơ bản đồng EUR với mức tăng 0,5%, chấm dứt kỷ nguyên LS âm sau 11 năm; ngày 08/09, ECB quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 đpt.
Đầu tháng 8, NHTW Thái Lan cũng tăng LSCS 25 đcb lần đầu tiên sau gần 4 năm giữ LS ở mức thấp kỷ lục 0,50%... Giá trị của đồng USD mỗi lúc một cao, theo sau những đợt nâng LS của Fed, khiến cho các nền kinh tế khác phải tăng LS để bảo vệ giá trị đồng nội tệ của mình. Khi những ảnh hưởng từ Covid-19 còn chưa đi qua hoàn toàn, và rủi ro từ cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine luôn tiềm ẩn, việc phải tăng LSCS theo Fed là điều mà nhiều quốc gia không hề mong muốn nhưng bắt buộc phải thực hiện, đánh đổi những lợi ích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn lấy sự ổn định về giá cả trong trung - dài hạn.
Tóm lược thị trường trong nước từ 19/09 - 23/09
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 19/09 - 23/09, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Chốt ngày 23/09, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.324 VND/USD, tăng mạnh 41 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục dừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay. Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.700 VND/USD.
Tỷ giá LNH tiếp tục tăng trong tuần qua. Phiên cuối tuần 23/09, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.712 VND/USD, tăng 43 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 23/09, tỷ giá tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 100 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.080 VND/USD và 24.130 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 19/09 - 23/09, lãi suất VND LNH tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 23/09, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 5,03% (+0,75 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 5,28% (+0,74 đpt); 2W 5,40% (+0,76 đpt); 1M 5,60% (+0,58%).
Lãi suất USD LNH cũng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt tuần 23/09, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 3,15% (+0,67 đpt); 1W 3,27% (+0,63 đpt); 2W 3,39% (+0,63 đpt) và 1M 3,54% (+0,62 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 19/09 - 23/09, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 4.999,95 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất dao động trong khoảng từ 4,65 – 5,9%, phiên cuối tuần ở mức 5,5%. Trong tuần có 19.938,32 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 07 ngày, có 73.799,9 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, lãi suất 4 phiên đầu tuần ở mức 4,5%, phiên cuối tuần tăng lên mức 5,0%. Có 54.100 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.
Như vậy, NHNN hút ròng 34.638,27 tỷ VND từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm mạnh xuống mức 4.999,95 tỷ VND, khối lượng tín phiếu lưu hành tăng lên mức 73.800,1 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 19/09, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm và 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 10 năm và 15 năm gọi thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn. Phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.500 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 21/09, KBNN huy động thành công 5.065/7.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 72%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.500/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 2.565/3.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt tại 3%/năm (+0,07%) và 3,3% (+0,07%). Kỳ hạn 5 năm và 20 năm đấu thầu thất bại.
Trong tuần vừa qua từ 19/09 – 23/09 và tuần này từ 26/09 – 30/09 không có TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này, ngày 26/09, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 28/09, KBNN dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 7 năm đến 15 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.937 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 9.867 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 23/09, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 4,05% (+1,0 đpt); 2 năm 4,02% (+0,89 đpt); 3 năm 4,04% (+0,91 đpt); 5 năm 4,04% (+0,79đpt); 7 năm 4,29% (+0,65 đpt); 10 năm 4,39% (+0,63 đpt); 15 năm 4,53% (+0,68 đpt); 30 năm 4,63% (+0,54 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 19/09 - 23/09, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể cải thiện khi không có thông tin hỗ trợ. Chốt tuần 23/09, VN-Index đứng ở mức 1.203,28 điểm, giảm mạnh 30,75 điểm (-2,49%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index sụt 8,44 điểm (-3,09%) xuống 264,44 điểm; UPCom-Index mất 0,87 điểm (-0,97%) còn 88,59 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình trên 13.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.568 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 17/09 ở mức 213 nghìn đơn, chỉ tăng nhẹ so với 208 nghìn đơn của tuần trước đó, và thấp hơn so với mức 220 nghìn đơn theo dự báo. Ở lĩnh vực bất động sản, doanh số bán nhà cũ của nước này trong tháng 8 đạt 4,80 triệu căn, giảm nhẹ so với 4,82 triệu căn của tháng 7 và cao hơn mức 4,69 triệu căn theo dự báo. Tiếp theo, số cấp phép xây dựng nhà tại Mỹ trong tháng 8 chỉ đạt 1,52 triệu đơn, thấp hơn mức 1,69 triệu đơn của tháng 7, đồng thời thấp hơn mức 1,61 triệu đơn theo dự báo.
Mặc dù vậy, số nhà khởi công trong tháng vừa qua đạt 1,58 triệu căn, cao hơn so với kết quả 1,40 triệu căn của tháng 7 và đồng thời cao hơn mức 1,45 triệu căn theo kỳ vọng của các chuyên gia. Cuối cùng, PMI lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực sản xuất của Mỹ do IHS Markit khảo sát lần lượt đạt 49,2 và 51,8 điểm trong tháng 9, cùng tăng so với 43,7 và 51,5 điểm của tháng 8, đồng thời cao hơn mức 45,5 và 51,0 điểm theo dự báo.
Một số NHTW tăng LSCS trong tuần vừa qua theo sau hành động của Cục dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Đầu tiên, NHTW Anh tăng LSCS thêm 50 đcb, từ 1,75% lên 2,25%. Trong số 9 thành viên của UB CSTT thuộc BOE có 5 thành viên ủng hộ mức tăng 50 đcb này, 3 thành viên ủng hộ tăng 75 điểm và chỉ có 1 thành viên ủng hộ tăng 25 điểm. Đây là lần thứ hai và trong hai tháng liên tiếp BOE có mức tăng 50 điểm, là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1995. Cơ quan này cho biết quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2,0%, đồng thời vẫn phù hợp để tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động bền vững.
Tại khu vực Đông Nam Á, NHTW Philippines và Indonesia đều đã tăng LSCS vào 22/09, nỗ lực kiềm chế lạm phát cao. Cả hai cơ quan này đều áp dụng mức tăng 50 đcb, và LSCS đều tăng lên thành 4,25% (BSP sử dụng LS BSP cho vay các NHTM kỳ hạn ON; BI sử dụng LS Repo 1W). Kể từ tháng 5, BSP đã tăng LSCS thêm 225 điểm, cố gắng kiềm chế giá và nâng giá trị USD/PHP đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Kể từ đầu năm 2022, đồng IDR mất giá 5,50% ytd so với USD; và đồng PHP mất giá 15,2% ytd so với USD. Trong tuần này, NHTW Thái Lan sẽ có cuộc họp ngày 28/09, được kỳ vọng sẽ nâng LSCS trong bối cảnh giá trị đồng THB so USD đã giảm 12,5% ytd và lạm phát tại nước này cũng đang ở mức rất cao 7,86% y/y.
Tỷ giá ngày 23/09:
- USD = 1.032 EUR (1.48% d/d); EUR = 0.969 USD (-1.48% d/d)
- USD = 0.921 GBP (3.56% d/d); GBP = 1.086 USD (-3.56% d/d)
- GBP = 1.120 EUR (-2.15% d/d); EUR = 0.893 GBP (2.15% d/d).