Thị trường hồi phục nhưng thanh khoản hạn chế, chiến lước lược đầu tư tuần tới ra sao?
VN-Index kết tuần tăng điểm nhẹ |
Chất lượng nội tại trung hạn của thị trường đang cải thiện
Ông Phan Tấn Nhật, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, sau 2 tuần chịu áp lực điều chỉnh mạnh, VN-Index trong tuần qua đã phục hồi tốt ở hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh tâm lý, cũng như đường xu hướng nối các vùng giá thấp tháng 4-8/2024, đường xu hướng tăng trưởng từ 2020 đến nay.
Kết tuần, VN-Index tăng 0,78% lên mức 1.228,10 điểm. Thanh khoản phục hồi kém khi khối lượng giảm -16,97% trên HOSE.
Độ rộng thị trường phân hóa mạnh, nghiên về phục hồi ở nhóm ngân hàng, bán lẻ, tài chính, nổi bật ở viễn thông, trong khi phục hồi kém ở các nhóm ngành khác. Khối ngoại bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị 5.198,73 tỷ đồng trong tuần. Tuy nhiên, qui mô bán ròng giảm dần và mua ròng trở lại trong phiên cuối tuần nổi bật ở các mã như HDG, TCB...
Trên thị trường phái sinh, kỳ hạn VN30F2411 tăng +22,40 điểm (+1,76%), đóng cửa tại 1.298 điểm, chênh lệch +11,93 điểm so với VN30; các kỳ hạn xa hơn là VN30F2412, VN30F2503 VN30F2506 chênh lệch từ +15,13 điểm đến +17,33 điểm so với VN30, mức chênh lệch rất cao cho thấy tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư trên thị trường phái sinh.
Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch +2,72% so với tuần trước, và cao hơn mức trung bình 20 phiên. Xu hướng ngắn hạn của VN30F2411 tuần sau dự kiến vẫn sẽ vận động trong vùng 1.300 điểm và thu hẹp chênh lệch. Khối lượng mở OI tuần này là 44.327 thấp hơn rất nhiều so với tuần gần nhất là 64.319, đây cũng là thống kê thường thấy trong các tuần đáo hạn.
Xu hướng ngắn hạn VN-Index đang trong giai đoạn phục hồi sau suy giảm mạnh với kỳ vọng kiểm tra lại lần lượt các kháng cự quanh 1.230 điểm, đường giá trung bình 200 tuần và kháng cự 1.250 điểm, hỗ trợ gần nhất quanh 1.220 điểm. Trong khi VN30 cần động lực lớn, với thanh khoản cải thiện mạnh, vượt lên đường giá trung bình 200 phiên tuơng ứng kháng cự quanh 1.290 điểm sau khi suy giảm, giao dịch dưới đường giá này kể từ 1/2024.
Thị trường chứng khoán đã có 1 năm biến động trong biên độ hẹp, dưới áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại, áp lực tỉ giá, áp lực dòng tiền của nhóm cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn là bất động sản... VN-Index cũng nhiều lần kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm, tương ứng vùng vốn hóa toàn thị trường khoảng 62% GDP 2024. Đây là vùng vốn hóa tương đối hấp dẫn của thị trường so với qui mô nền kinh tế khi tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch tăng 6,5-7%.
Những diễn biến hiện tại cho thấy chất lượng nội tại trung hạn của thị trường đang cải thiện dần sau thời gian dài tích lũy với nhiều mã, nhóm mã đang ở vùng giá tương đối hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội tốt.
“Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ phân hóa mạnh. Ngoại trừ các yếu tố bất định mới VN-Index kỳ vọng tạo đáy ở vùng giá 1.200 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018, cũng như hỗ trợ các đường xu hướng tăng trưởng trung dài hạn. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Tỉ trọng dưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt”, ông Phan Tấn Nhật chia sẻ.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể chốt lời đối với các mã đã đạt mục tiêu
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu - Phân tích, Công ty TNHH Chứng khoán VCB (VCBS) cho biết, tuần này, VN-Index ghi nhận phục hồi từ mốc hỗ trợ 1.200 điểm sau hơn 2 tuần điều chỉnh liên tiếp. Cụ thể, lực cầu bắt đáy có tín hiệu gia tăng và chủ động tham gia kể từ phiên thứ tư (20/11) giữa tuần. Dẫn dắt nhịp hồi phục vẫn là các cổ phiếu vốn hóa lớn - bao gồm trong đó khá nhiều cổ phiếu ngân hàng - với sự đồng thuần tạo động lực hồi phục cho thị trường chung. Khối ngoại vẫn là điểm trừ khi bán ròng mạnh ở một số phiên trong tuần và phần nào ảnh hưởng tới diễn biến của thị trường chung. Sau hai phiên tăng điểm ấn tượng giữa tuần, chỉ số chung có tín hiệu chững lại trong phiên cuối tuần dưới lực cầu chốt lời ngắn hạn.
Cụ thể, ở phiên cuối tuần (22/11), VN-Index có trạng thái rung lắc biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu phần lớn thời gian giao dịch trong ngày. Đây là thời điểm nhà đầu tư thường có xu hướng chốt lời ngắn hạn T+ nên lực cầu cũng có phần chững lại nhằm quan sát diễn biến của thị trường. Thanh khoản trong phiên duy trì ở ngưỡng trung bình nên có thể thấy áp lực bán đã được hấp thụ khá, đồng thời dòng tiền cũng có sự phân hóa sang các cổ phiếu/nhóm ngành riêng lẻ giúp VN-Index duy trì được sự cân bằng. Khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ ở phiên cuối tuần với tổng giá trị ròng đạt 31,54 tỷ, tập trung mua HDG, TCB, FPT. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.228,10, giảm 0,23 điểm, tương đương 0,02%. Kết tuần, VN-Index tăng 9,53 điểm (+0,78%) so với tuần trước
Phân tích kĩ thuật, ông Hoàng cho biết, VN-Index kết phiên cuối tuần với nến Inverted hammer cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn có phần gia tăng. Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI mới hình thành 1 đáy và đang bẻ ngang, trong khi đó chỉ báo MACD đang hình thành đáy đầu tiên nên xác suất cao thị trường vẫn có nhịp rung lắc trong quá trình hồi phục. Chỉ số chung cũng đang tiến gần về đường MA20, đồng thời là ngưỡng kháng cự ngắn hạn 1.240 điểm nên tâm lý nhà đầu tư cũng có phần thận trọng hơn, tuy nhiên thị trường vẫn có sự phân hóa nên nếu dòng tiền và thanh khoản đồng thuận hơn thì VN-Index sẽ quay lại mốc kháng cự nêu trên trong ngắn hạn.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung ghi nhận sự điều chỉnh rung lắc ở biên độ nhỏ khi tiếp giáp với đường biên trên dải Bollinger band, đồng thời chỉ báo RSI và MACD mới hình thành 1 đỉnh nên diễn biến hiện tại của thị trường vẫn chưa có gì bất thường. Bên cạnh đó, đường +DI trên mốc 25 nhưng đường ADX ở dưới mốc này nên không loại trừ khả năng xuất hiện những nhịp rung lắc trong quá trình hồi phục đi lên. Tuy nhiên nếu dòng tiền duy trì được sự lan tỏa và nhóm blue-chips đồng thuận thì VN-Index sẽ sớm hướng lên mốc 1.240-1.242 điểm, cũng là đường mây đỏ Senkou-span B.
Ông Hoàng khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể chốt lời đối với các mã đã đạt mục tiêu và có hiện tượng suy yếu dưới áp lực chốt lời ngắn hạn. Ngược lại, nhà đầu tư trung-dài hạn có thể tiếp tục duy trì nắm giữ các cổ phiếu đang cho lợi nhuận tốt hoặc vẫn còn tiềm năng tăng giá dựa trên kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 4/2024 và thậm chí cân nhắc giải ngân gia tăng thêm nếu thị trường ghi nhận những nhịp rung lắc trong phiên ở những phiên tới. Một số nhóm ngành đáng chú ý trong giai đoạn này là bán lẻ, phân đạm-hóa chất, công nghệ-viễn thông, ngân hàng…