Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 20 - 24/2
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/2 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/2 |
Tổng quan
Sang tháng 2/2023, lãi suất huy động và lãi suất cho vay niêm yết tại nhiều ngân hàng đã giảm tích cực.
Ở chiều huy động, tại hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất niêm yết cao nhất mà các ngân hàng dành cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 9,5%/năm. 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất ở mức 7,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và trên 8% đối với hình thức gửi tiền online. So với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022, mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng đã giảm đáng kể. Những ngân hàng từng niêm yết lãi suất từ 10,5%/năm hồi cuối năm 2022 như Saigonbank, SCB,... cũng đã điều chỉnh giảm trên dưới 1%/năm, đưa lãi suất về ngang với mặt bằng chung của thị trường, quanh mốc 9,5%/năm. Một số ngân hàng như Techcombank, Sacombank, SHB,… đã giảm lãi suất xuống dưới 9%/năm.
Lãi suất cho vay cũng đang giảm đáng kể từ nửa cuối tháng 2. Đa số các ngân hàng áp dụng mức giảm 1-2% so với mức công bố trước đó. Trong các đợt giảm lãi suất cho vay thời gian qua, các ngân hàng thương mại Nhà nước luôn đi đầu. BIDV dành 100.000 tỷ đồng cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu. Ngoài ra, BIDV còn áp dụng giảm thêm 0,2-0,4% cho khách vay mua nhà đáp ứng một số điều kiện như trả lương qua BIDV, mua nhà tại Hà Nội, TP.HCM.
Tại Agribank, những khách hàng có dư nợ vay bất động sản tại thời điểm từ 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế, sẽ được Agribank xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất. Ví dụ, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay kỳ hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ…
Như vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ngân hàng lớn đầu tiên đã có động thái giảm lãi suất cho vay với lĩnh vực bất động sản. Ngoài lĩnh vực này, nhiều lĩnh vực kinh doanh khác cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía ngân hàng. Một ngân hàng lớn khác là VietinBank vừa thông báo dành 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023 vay với lãi suất vay từ 7%/năm cho kỳ hạn vay 6 tháng. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng có xu hướng giảm lãi suất cho vay. Đơn cử như MB triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với khách hàng cá nhân kinh doanh, sản xuất.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại khác như Techcombank, Sacombank, SeABank, Bản Việt, … cũng đã công bố các gói tín dụng ưu đãi lãi suất với mức giảm từ 1-2 điểm % so với lãi suất thông thường. LienVietPostBank triển khai gói ưu đãi lớn nhằm tối ưu chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. TPBank có chương trình ưu đãi lãi suất, thúc đẩy tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn và một số lĩnh vực ưu tiên khác, ...
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, dù vẫn còn nhiều áp lực, song mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ tạo đỉnh trong nửa đầu năm 2023 rồi dần “giảm nhiệt”, qua đó giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng tiếp tục tăng, mức hạ lãi suất trong nước thời gian tới có thể chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. Các ngân hàng muốn hạ lãi suất phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thanh khoản, lạm phát…
Theo quan điểm từ phía đại diện các doanh nghiệp, việc giảm lãi suất là một động thái quan trọng giúp thị trường vốn lưu thông hơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn rẻ hơn để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay đến nay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể và phần lớn là kỳ hạn ngắn. Đối với các khoản vay kỳ hạn dài hơn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất cao như kỳ hạn 6 tháng sẽ ở mức 10-10,5%/năm, trên 12 tháng sẽ ở mức 11-12%/năm.
Trong khi đó, doanh nghiệp kỳ vọng mức lãi suất khoảng 9%/năm với thời hạn 6-12 tháng để ổn định sản xuất kinh doanh. Ở góc độ cơ quan quản lý, mới đây NHNN đã ban hành văn bản 953 yêu cầu đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng tại các địa phương, đồng thời tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Các chuyên gia tính toán, trong thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn ở mức dưới 4%. Thông thường, các ngân hàng sẽ tính thêm 2% là biên độ lợi nhuận cho khách hàng gửi, nghĩa là lãi suất huy động ở mức 6%/năm, và biên độ lợi nhuận cho ngân hàng là 3%, lãi suất cho vay 9%/năm sẽ là phù hợp.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 20 - 24/2, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 24/2, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.642 VND/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở 23.450 VND/USD, giá bán ở 24.780 VND/USD.
Tỷ giá đô - đồng liên ngân hàng biến động tăng - giảm trong biên độ mạnh trong tuần qua. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 24/2, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.788 VND/USD, giảm 34 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô - đồng trên thị trường tự do tiếp tục xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên 24/2, tỷ giá tự do tăng 120 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.810 VND/USD và 23.860 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 20 - 24/2, lãi suất VND liên ngân hàng đảo chiều tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 24/2, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 6,02% (+1,35 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 6,33% (+1,24 điểm phần trăm); 2 tuần 6,55% (+1,04 điểm phần trăm); 1 tháng 6,97% (+0,57 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 24/2, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,46% (+0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 4,61% (+0,03 điểm phần trăm); 2 tuần 4,71% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,86% (+0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 20 - 24/2, NHNN chào thầu 18.500 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3 phiên đầu ở mức 6,0%, 2 phiên cuối đấu thầu lãi suất với mức sàn 6,0%, có 10.679.12 tỷ đồng trúng thầu đều với lãi suất 6,0%; có 229,06 tỷ đồng đáo hạn.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày, đấu thầu lãi suất, có 91.549,80 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày với lãi suất trúng thầu phiên đầu tuần 5,0%, các phiên còn lại 6,0% và có 43.999,80 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày, lãi suất từ 5,50% lên mức 6,0%; có 86.999,5 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN hút ròng 38.100,04 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 31.673,12 tỷ VND, tín phiếu NHNN ở mức 150.549,6 tỷ VND.
Thị trường trái phiếu ngày 22/2, Kho bạc Nhà nước huy động 7.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu là 2.135 tỷ đồng (đạt 28%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt huy động được 1.100 và 1.035 tỷ. Lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn trên lần lượt tại 4,12%/năm và 4,32%/năm, cùng tăng 0,05 điểm phần trăm so với tuần trước. Riêng kỳ hạn 7 năm không có khối lượng trúng thầu. Tuần vừa qua không có khối lượng đáo hạn.
Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần 27/2 - 3/3, Kho bạc Nhà nước dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi 3.000 tỷ và kỳ hạn 15 năm gọi 3.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.400 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh so với mức 7.171 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 24/02, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3,82% (+0,06 điểm phần trăm); 2 năm 3,82% (+0,06 điểm phần trăm); 3 năm 3,84% (+0,06 điểm phần trăm); 5 năm 3,87% (+0,07điểm phần trăm); 7 năm 3,97% (+0,15 điểm phần trăm); 10 năm 4,41% (+0,23 điểm phần trăm); 15 năm 4,56% (+0,17 điểm phần trăm); 30 năm 4,91% (+0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 20 - 24/2 diễn biến tiêu cực khi cả 3 chỉ số giảm điểm, khối ngoại bán ròng và thanh khoản thấp. Chốt ngày 24/2, VN-Index đứng ở mức 1.039,56 điểm, giảm 19,75 điểm (-1,86%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 2,63 điểm (-1,25%) còn 207,32 điểm; UPCoM-Index giảm 2,21 điểm (-2,80%) về 76,73 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp tuy có cải thiên so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình đạt gần 12.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng hơn 1.760 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Fed công bố biên bản cuộc họp đầu tháng 2, đồng thời thị trường Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo đáng chú ý. Đầu tiên, về biên bản họp Fed, cơ quan này dự báo GDP Mỹ sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023 và chỉ tăng trưởng dưới mức tiềm năng trong các năm 2024 và 2025. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên và lạm phát sẽ tiếp tục suy yếu trong giai đoạn 2023 - 2025. Fed khẳng định hướng tới toàn dụng nhân công và đưa lạm phát về mức 2,0% trong dài hạn. Các quan chức đồng thuận tăng lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản lên khoảng 4,5% - 4,75% trong cuộc họp lần này, đồng thời cho rằng tiếp tục tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo là hành động phù hợp để kiểm soát lạm phát theo thời gian. Liên quan tới chỉ số kinh tế Mỹ, GDP của nước này ước tính tăng trưởng 2,7% so với quý trước trong quý cuối năm qua, thấp hơn so với mức 2,9% theo kết quả ban đầu.
Tuy nhiên, GDP cả năm của nước này vẫn tăng 2,1%, không điều chỉnh so với số liệu sơ bộ. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tại Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước trong tháng 1/2023, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 12/2022, đồng thời mạnh hơn mức tăng 0,4% theo dự báo. Như vậy, PCE lõi ở tháng đầu năm tăng 4,7% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,6% ghi nhận tháng trước đó. Cuối cùng, S&P Global khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ lần lượt ở mức 47,8 và 50,5 điểm trong tháng 2, cùng tăng so với 46,9 và 46,8 điểm của tháng 1, đồng thời cùng vượt mức 47,4 và 47,3 điểm theo dự báo. Đây là tháng đầu tiên lĩnh vực dịch vụ ghi nhận trạng thái mở rộng kể từ tháng 07/2021.
Liên minh châu Âu EU tiếp tục mở rộng trừng phạt đối với Nga. Cũng trong tuần qua, khu vực Eurozone đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Ngày 24/02 theo giờ Việt Nam, EU thông qua gói trừng phạt nhắm vào hàng hóa xuất khẩu của Nga, bao gồm cả hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa quân sự. Theo Ủy ban châu Âu EC, gói trừng phạt này sẽ cắt giảm thương mại Nga - EU thêm khoảng 10 tỷ EUR mỗi năm, đồng thời loại bỏ nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Hiện tại, Nga chưa có động thái nào đối với lệnh trừng phạt này của EU. Liên quan tới kinh tế Eurozone, PMI lĩnh vực sản xuất của khu vực này ở mức 48,5 điểm trong tháng 2, giảm nhẹ từ 48,8 điểm của tháng 1 và trái với dự báo tăng lên thành 49,4 điểm. Tuy nhiên, PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 53,0 điểm, tăng mạnh từ 50,8 điểm của tháng trước đó và vượt qua kỳ vọng ở mức 51,0 điểm. Tiếp theo, CPI toàn phần và CPI lõi của Eurozone lần lượt tăng 8,6% và 5,3% so với quý trước trong tháng 1, điều chỉnh nhẹ so với mức tăng 8,5% và 5,3% theo thống kê sơ bộ.