Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 28/6-2/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 21-25/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 14-18/6 |
Tổng quan
GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng thấp hơn dự báo, tuy nhiên Chính phủ vẫn chưa hạ mục tiêu tăng trưởng cả năm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI vẫn ở mức thấp.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 2/2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý 2 các năm 2018 và 2019. Với mức tăng này, GDP 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,8% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi cuối tháng 5/2021.
Nguyên nhân được nêu lên ở đây là, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế chỉ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014-2021.
Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011-2021. Bán buôn và bán lẻ vẫn là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với mức tăng 5,63% so với cùng kỳ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%.
Có thể thấy, việc đạt được tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2021 mà Chính phủ đặt ra là rất khó khăn do tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,64%. Như vậy, muốn hoàn thành mục tiêu, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải là 7,2%. Trong khi đó, dịch Covid-19 đang tấn công trực tiếp vào các lĩnh vực, địa bàn tăng trưởng của đất nước, đặc biệt là vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các khu công nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19, song khả năng vẫn đạt tăng trưởng từ 6,1 - 6,3% cho cả năm 2021 khi so sánh với nền thấp của năm ngoái. Triển vọng tăng trưởng sẽ lạc quan hơn nếu cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tích cực trước sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước. Trong đó: 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,07% làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm. Mức giá nhóm này tăng do ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu làm chỉ số giá xăng tăng 3,45%, dầu diezen tăng 4,71%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63% đẩy CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do các đợt nắng nóng trong tháng làm chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 1% và tăng 0,26%.
Bên cạnh đó giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,26% theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11% và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1% do thời tiết khi vào hè làm nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát và sử dụng các mặt hàng như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng cao…
Như vậy, tính chung quý II/2021, CPI tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020. CPI tháng 6/2021 tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Tóm lược thị trường trong nước từ 28/06 - 02/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 28/06 - 02/07, sau khi giảm khá mạnh phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ ở các phiên còn lại. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.184 VND/USD, chỉ tăng 05 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.830 VND/USD.
Tỷ giá LNH tuần qua tiếp tục biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 02/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.004 VND/USD, giảm nhẹ 08 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do vẫn tăng qua hầu hết các phiên. Chốt tuần 02/07, tỷ giá tự do tăng mạnh 95 đồng ở chiều mua vào và 75 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.345 – 23.375 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 28/06 - 02/07 tăng khá mạnh phiên đầu tuần sau đó giảm trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 02/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,12% (-0,08 đpt); 1W 1,32% (không thay đổi); 2W 1,41% (không thay đổi); 1M 1,53% (-0,01 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động tăng – giảm nhẹ, chốt tuần 02/07 đóng cửa tại: ON 0,15% (+0,01 đpt); 1W 0,19% (+0,02 đpt); 2W 0,24% (+0,02 đpt) và 1M 0,33% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 28/06 - 02/07, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên ở kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trên thị trường sơ cấp, trong tuần từ 28/06 - 02/07, KBNN huy động thành công 2.968/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 49%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 2.856/3.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động 112/2.000 tỷ đồng TPCP, kỳ hạn 7 năm và 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm giữ nguyên lần lượt tại 2,20%/năm và 2,46%/năm. Trong tuần có 1.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần này từ 28/06 – 02/07, KBNN sẽ gọi thầu 6.000 tỷ đồng TPCP, tương đương mức của tuần trước, đồng thời sẽ có 4.885 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 13.568 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 13.855 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP biến động trái chiều ở các kỳ hạn trong tuần qua. Chốt phiên 02/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,40% (+0,01 đpt); 2 năm 0,57% (+0,02 đpt); 3 năm 0,90% (+0,01 đpt); 5 năm 1,09% (-0,01đpt); 7 năm 1,35% (+0,01 đpt); 10 năm 2,18% (-0,04 đpt); 15 năm 2,47% (-0,03 đpt); 30 năm 3,09% (+0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 28/06 - 02/07 diễn biến tích cực khi các sàn đều tràn ngập sắc xanh, thanh khoản ở mức cao và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại. Kết thúc phiên cuối tuần 02/07, VN-Index đứng ở mức 1.420,27 điểm, tăng mạnh 30,15 điểm (+2,17%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 9,79 điểm (+3,08%) đạt 328,01 điểm; UPCoM-Index tăng 1,16 điểm (+1,30%) lên 90,64 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng trở lại với giá trị giao dịch đạt trên 30.800 tỷ đồng/phiên. Nhờ 2 phiên mua ròng mạnh, chốt tuần khối ngoại mua ròng hơn 1.906 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Mỹ đón nhận nhiều thông tin kinh tế trái chiều. Đầu tiên, Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng của nước Mỹ ở mức 127,3 điểm trong tháng 6, tăng mạnh từ mức 120,0 điểm của tháng 5 và trái với dự báo giảm xuống còn 118,9 điểm. Tiếp theo, Viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của nước Mỹ ở mức 60,6% trong tháng 6 vừa qua, giảm nhẹ từ mức 61,2% của tháng trước đó, xuống sâu hơn mức 61,0% theo dự báo.
Trên thị trường lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 27/06 ở mức 364 nghìn đơn, giảm khá mạnh từ mức 411 nghìn đơn của tuần trước đó và xuống thấp hơn mức 388 nghìn đơn theo dự báo. Thu nhập bình quân theo giờ của người dân Mỹ trong tháng 6 tăng 0,3% m/m, khớp với dự báo, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 5. Quốc gia này trong tháng vừa qua tạo ra 850 nghìn việc làm phi nông nghiệp, cao hơn nhiều so với mức 583 nghìn của tháng 5, đồng thời vượt qua kỳ vọng ở mức 725 nghìn việc làm mới.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ trong tháng 6 tăng lên thành 5,9% từ mức 5,8% của tháng trước đó, trái với kỳ vọng giảm xuống 5,6% của các chuyên gia. Cuối cùng, giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại Mỹ tăng tăng 1,7% m/m trong tháng 5 sau khi giảm nhẹ 0,1% ở tháng 4, khớp với dự báo của Reuters.
Khu vực Eurozone ghi nhận một số thông tin quan trọng, đặc biệt là gói cứu trợ của EC. Cụ thể, ngày 28/06, Ủy ban Châu Âu EC thông báo đã giải ngân khoản tiền mặt đầu tiên từ nguồn quỹ hỗ trợ cho 16 quốc gia thành viên, trong đó có Pháp, Đức, Đan Mạch, Estonia và Cộng hòa Séc. Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ EUR (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Liên quan tới chỉ báo kinh tế, trong tháng 6, CPI toàn phần và CPI lõi tại khu vực Eurozone lần lượt tăng 1,9% và 0,9% y/y trong tháng 6 theo báo cáo sơ bộ, khớp với dự báo được đưa ra, cùng giảm so với mức 2,0% và 1,0% của tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này trong tháng 5 giảm xuống còn 7,9% từ mức 8,1% của tháng 4, thấp hơn so với mức 8,0% theo dự báo. Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất của khu vực Eurozone được IHS Markit thông báo chính thức ở mức 63,4 điểm trong tháng 6, điều chỉnh lên từ mức 63,1 điểm theo khảo sát sơ bộ.
Nhật Bản vẫn đang gấp rút đối phó dịch Covid-19, các thông tin kinh tế chưa cho thấy sự lạc quan. Ngày 05/07, Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đang chuẩn bị cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine vào cuối tháng này, nhằm chạy đua với các nước phương tây trong cả y tế và kinh tế.
Mặc dù vậy, Chính phủ nước này vẫn duy trì yêu cầu khách du lịch nhập cảnh vào Nhật Bản, bao gồm cả những người trở về, phải cách ly trong 2 tuần ngay cả khi họ đã được tiêm phòng. Liên quan tới một số thông tin kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản trong tháng 5 tăng lên mức 3,0% từ mức 2,8% của tháng 4, vượt qua mức 2,9% theo dự báo. Doanh số bán lẻ của nước Nhật trong tháng 5 cũng chỉ đạt mức 8,2% y/y; thấp hơn khá nhiều so với mức 11,9% của tháng trước đó.
Cuối cùng, sản lượng công nghiệp sơ bộ của Nhật Bản giảm mạnh 5,9% m/m trong tháng 5 sau khi tăng 2,9% ở tháng trước đó, sâu hơn nhiều so với mức giảm 2,1% theo dự báo.