Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 30/9-4/10
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/10 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/10 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Như vậy, ba quý đầu năm, GDP tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và năm 2023. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với 9 tháng đầu năm 2022.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng 7,48%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm.
Các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2024 tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: bán buôn và bán lẻ tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,78 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%, đóng góp 0,70 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,47%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 vào tháng 9/2024 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 tăng 3,20%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024.
Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,96% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,73%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước; tính chung 9 tháng, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP; giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 9 tăng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1 điểm phần trăm, chủ yếu do chỉ số giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tính quy đổi tăng 4,61%, tác động làm CPI tăng 0,48 điểm phần trăm; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,08% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc EVN điều chỉnh mức bán lẻ giá điện bình quân trong năm 2023 làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nước sinh hoạt bình quân 9 tháng tăng 9,42% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,51% do trong năm học 2023-2024 và 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,46%, tác động làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-B nămT của Bộ năm tế từ ngày 17/11/2023. Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 46,67%; bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 4,3%.
Tổng cục Thống kê cho biết, một trong những nguyên nhân chính giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua là nhờ sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới, qua đó Việt Nam giảm bớt được áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát (chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa bình quân 9 tháng đầu năm giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước).
Bên cạnh đó, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân; chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ.
Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; giảm 10 – 50% với 36 loại phí, lệ phí, … Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 30/9 - 4/10
Thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 30/9 - 4/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm 2 phiên đầu tuần rồi tăng 3 phiên cuối tuần. Chốt ngày 4/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.133 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD giao ngay ở mức 23.400 VND/USD ở tất cả các phiên trong khi niêm yết tỷ giá bán USD chốt ngày 4/10 ở mức 25.289 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 30/09 - 4/10 giảm mạnh phiên đầu tuần rồi tăng mạnh trở lại sau đó. Kết thúc phiên 4/10, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.770, tăng tới 162 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do biến động tăng - giảm mạnh đan xen. Tuy nhiên, chốt phiên 4/10, tỷ giá tự do giữ không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.110 VND/USD và 25.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuần từ 30/9 - 4/10, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 4/10, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 3,72% (-0,52 điểm phần trăm); 1 tuần 3,90% (-0,48 điểm phần trăm); 2 tuần 4,02% (-0,36 điểm phần trăm); 1 tháng 4,17% (-0,19 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng trong tuần ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 4/10, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,83% (không đối); 1 tuần 4,89% (không đổi); 2 tuần 4,93% (không đối) và 1 tháng 4,94% (-0,03 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần qua, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 23.000 tỷ đồng, lãi suất giữ nguyên ở mức 4,0%. Có 10.791,47 tỷ đồng trúng thầu và có 67.359,15 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng đáo hạn trên kênh này.
Như vậy, NHNN hút ròng 56.567,68 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 10.791,47 tỷ đồng, không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Trên thị trường trái phiếu, ngày 2/10, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 3.510 tỷ đồng/11.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 31%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 200 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10 năm huy động được 2.760 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng gọi thầu, 15 năm huy động được 450 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu và 30 năm huy động được 100 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 20 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,90% (-0,05 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước), các kỳ hạn khác giữ lãi suất không đổi, cụ thể 10 năm là 2,66%, 15 năm 2,86% và 30 năm là 3,10%.
Trong tuần này, ngày 9/10, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 10.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10 năm chào thầu 7.000 tỷ đồng, 15 năm 2.500 tỷ đồng và 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.258 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 18.405 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua biến động nhẹ. Chốt phiên 4/10, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,85% (-0,004 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,86% (-0,005 điểm phần trăm); 3 năm 1,88% (-0,004 điểm phần trăm); 5 năm 1,91% (-0,001 điểm phần trăm); 7 năm 2,15% (-0,003 điểm phần trăm); 10 năm 2,66% (+0,002 điểm phần trăm); 15 năm 2,86% (+0,002 điểm phần trăm); 30 năm 3,16% (+0,003 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán trong tuần từ 30/9 - 4/10, các chỉ số trên thị trường chứng khoán giảm ở hầu hết các phiên. Kết thúc phiên 4/10, VN-Index đứng ở mức 1.270,60 điểm, giảm 20,32 điểm (-1,57%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 3,04 điểm (-1,29%) còn 232,67 điểm; UPCoM-Index lùi 1,53 điểm (-1,63%) còn 92,37 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng 19.800 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 20.448 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.400 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có phát biểu về lãi suất chính sách, bên cạnh đó nước Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý trong tuần vừa qua. Tại một hội thảo tại Nashville ngày 30/09, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, theo kịch bản chính, cơ quan này không cảm thấy phải cắt giảm lãi suất chính sách một cách nhanh chóng, báo hiệu sẽ không có thêm lần cắt giảm lãi suất chính sách 50 điểm nào trong tương lai.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ ở mức 47,2% trong tháng 9, đi ngang so với tháng trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 47,6%. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp lĩnh vực sản xuất Mỹ ghi nhận sự thu hẹp trở lại kể từ sau khi đạt 50,3% vào tháng 3 năm nay. Trái lại, PMI lĩnh vực dịch vụ tại quốc gia này ở mức 54,9% trong tháng 9, tăng khá mạnh từ mức 51,5% của tháng 8 và đồng thời cao hơn mức 51,6% theo dự báo. Đây là PMI dịch vụ cao nhất nước Mỹ ghi nhận kể từ sau tháng 2/2023.
Tiếp theo, tại thị trường lao động, số cơ hội việc làm mới tại Mỹ trong tháng 8 đạt mức 8,04 triệu, tăng lên đáng kể từ mức 7,71 triệu của tháng 7 và trái với dự báo giảm xuống còn 7,64 triệu. Sang tháng 9, nước Mỹ tạo ra 254 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới, cao hơn mức 159 nghìn của tháng 8 và đồng thời cao hơn nhiều so với dự báo ở mức 147 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này cũng giảm nhẹ xuống còn 4,1% trong tháng vừa qua, trái với dự báo đi ngang ở mức 4,2% như kết quả thống kê tháng 8.
Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động Mỹ trong tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng trước đó, cao hơn mức tăng 0,3% theo kỳ vọng. Trong tuần này, thị trường chờ đợi biên bản cuộc họp Fed tháng 9 và báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ, cùng được công bố vào ngày 10/10 theo giờ Việt Nam.
Eurozone ghi nhận các chỉ báo kinh tế quan trọng, đáng chú ý là lạm phát tiếp tục giảm khá nhanh. Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu (Eurostat) công bố CPI toàn phần và CPI lõi tại Eurozone lần lượt tăng 1,8% và 2,7% so với cùng kỳ, cùng giảm tốc so với mức tăng 2,2% và 2,8% của tháng trước đó, đồng thời khớp với dự báo của thị trường. Đây là CPI toàn phần thấp nhất mà Eurozone ghi nhận kể từ tháng 5/2021, đồng thời là lần đầu tiên CPI về lại ngưỡng dưới 2% mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) theo đuổi. Kết quả này đang ủng hộ lập trường của ECB khi cơ quan này quyết định cắt giảm 2 trong 3 loại lãi suất chính sách tới 60 đcb vào tháng 9.
Tại nước Đức nói riêng, CPI toàn phần tại nước này đi ngang trong tháng 9 (0,0% so với tháng trước) sau khi giảm 0,1% ở tháng trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ 0,1%. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần tại Đức tăng 1,6% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, tiếp tục thu hẹp so với mức 1,9% của tháng 8.
Tiếp theo, về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone đi ngang ở mức 6,4% trong tháng 8, khớp với dự báo của các chuyên gia. Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất tại Eurozone chính thức ghi nhận ở mức 45 điểm trong tháng 9, điều chỉnh tăng không đáng kể từ mức 44,8 điểm theo khảo sát sơ bộ, đánh dấu tháng thứ 27 liên tiếp lĩnh vực sản xuất nước này rơi vào trạng thái thu hẹp.