Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/1
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/1 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/1 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa năm 2023 của Việt Nam mặc dù chưa phục hồi mạnh, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể qua từng tháng, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt nhiều khó khăn. Đây là tiền đề hướng đến kỳ vọng xuất nhập khẩu khởi sắc hơn trong năm 2024.
Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 681,04 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 354,67 tỷ USD, giảm 4,6% (tương ứng giảm 17,05 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 326,37 tỷ USD, giảm 9,2% (tương ứng giảm 33,20 tỷ USD).
Như vậy, năm 2023 cả nước xuất siêu 28,3 tỷ USD. Đây là điểm sáng đáng ghi nhận khi cán cân thương mại cả nước tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư cao, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
Năm 2023, trong tổng kim ngạch chung của cả nước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 466,27 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm tới 40,49 tỷ USD) so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 257,21 tỷ USD, giảm 6% (tương ứng giảm 16,40 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 209,06 tỷ USD, giảm 10,3% (giảm 24,09 tỷ USD).
Một điểm đáng chú ý là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023 mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể qua các tháng. Từ tháng 1 đến tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từng tháng liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mức giảm được thu hẹp dần và bắt đầu tăng trở lại từ tháng 9. Trong đó, tháng 9 tăng 2,8%; tháng 10 và tháng 11 cùng tăng 6,3%; tháng 12 ước tính tăng cao 12,7%. Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 316,5 tỷ USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước; đến 9 tháng, mức giảm chỉ còn 11% và kết thúc năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước chỉ còn giảm 6,9%.
Mức suy giảm xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực cũng được thu hẹp (mức giảm xuất khẩu sang Mỹ thu hẹp từ 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn 13,1% trong 11 tháng năm 2023; EU từ 10,1% xuống 8,1%; Hàn Quốc từ 10,2% xuống 4%...). Ngoài ra, xuất khẩu đã đa dạng hóa ra ngoài các thị trường truyền thống, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng tích cực.
Trong các nhóm hàng, nhóm điện tử, máy tính và linh kiện tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tiếp tục là nhóm dẫn đầu thị trường xuất khẩu và đến cuối năm 2023 đã đạt mức tăng trưởng dương. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng này giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng từ tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tăng trở lại. Kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ước tăng 3,3% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản năm 2023 được đánh giá là thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 28,15 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2022.
Ở chiều nhập khẩu, hoạt động nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. nhập khẩu nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,5% tổng kim ngạch; nhập khẩu nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 5,7% tổng kim ngạch.
Bước sang 2024, rõ ràng là, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung áp lực bên ngoài đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ 3 kênh:
(1) Kênh thương mại quốc tế: nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu;
(2) Kênh đầu tư quốc tế: mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới; xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước;
(3) Kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.
Mặc dù vậy, với xu hướng cải thiện dần từ các tháng cuối năm 2023, Bộ Công thương vẫn đặt mục tiêu năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023; cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu (dự kiến xuất siêu khoảng 15 tỷ USD).
Tóm lược thị trường trong nước từ 8-12/1
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 8-12/1, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ đầu tuần rồi tăng mạnh 2 phiên cuối. Chốt ngày 12/1, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.976 VND/USD, tăng 44 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD cuối tuần được niêm yết ở mức 25.124 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng biến động tăng mạnh trong tuần qua. Kết thúc phiên 12/1, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24.499 VND/USD, tăng tiếp 129 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 12/01, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.750 VND/USD và 24.850 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 8-12/1, lãi suất VND liên ngân hàng chủ yếu giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt ngày 12/01, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,30% (-0,10 điểm phần trăm); 2 tuần 0,55% (-0,15 điểm phần trăm); 1 tháng 1,28% (-0,47 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng biến động tăng - giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 12/1, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,08% (không thay đổi); 1 tuần 5,20% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 5,28% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,38% (-0,01 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần từ 8-12/1, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày, với khối lượng là 5.000 tỷ đồng, lãi suất đều ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 1,04 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 1,04 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 10/1, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 5.939/7.250 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 82%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 10 năm huy động được toàn bộ lần lượt 750 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 15 năm huy động được 2.189 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 30 năm gọi thầu 500 tỷ đồng nhưng đấu thầu thất bại. Lãi suất phát hành kỳ hạn 5 năm ở mức 1,50% (-0,08 điểm phần trăm so với phiên trước đó), 10 năm 2,15% (-0,05 điểm phần trăm) và 15 năm 2,35% (-0,05 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 17/1, Kho bạc Nhà nước chào thầu 7.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 3.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.823 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 7.619 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 30 năm. Chốt phiên 12/1, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,47% (-0,07 điểm phần trăm); 2 năm 1,47% (-0,07 điểm phần trăm); 3 năm 1,50% (-0,05 điểm phần trăm); 5 năm 1,53% (-0,02 điểm phần trăm); 7 năm 1,84% (-0,03 điểm phần trăm); 10 năm 2,23% (-0,02 điểm phần trăm); 15 năm 2,42% (-0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,02% (+0,03 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 8-12/1, thị trường chứng khoán tăng - giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 12/01, VN-Index đứng ở mức 1.154,70 điểm, tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,002%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 2,45 điểm (-1,05%) về mức 230,31 điểm; UPCoM-Index mất 1,03 điểm (-1,17%) còn 86,90 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng tích cực lên mức 25.200 tỷ đồng/phiên từ mức 19.700 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 70 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Thị trường Mỹ tuần qua ghi nhận nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi và CPI toàn phần tại Mỹ cùng tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 12/2023, nối tiếp đà tăng lần lượt 0,3% và 0,1% ở tháng 11 và gần khớp với dự báo ở mức 0,3% và 0,2%. So với cùng kỳ năm 2022, CPI lõi tháng vừa qua tăng 3,9%, giảm tốc nhẹ so với mức 4,0% ghi nhận ở tháng 11. Trái lại, CPI toàn phần tăng 3,4% so với cùng kỳ, mở rộng hơn so với mức tăng 3,1% của tháng 11.
Cũng trong tuần vừa qua, bà Michelle Bowman, Ủy viên Hội đồng Thị trường Mở Liên Bang (FOMC) cho rằng: “Nếu lạm phát tiếp tục giảm gần hơn đến mục tiêu 2,0% theo thời gian, thì việc bắt đầu hạ lãi suất sẽ trở nên phù hợp, để ngăn chính sách trở nên quá thắt chặt”.
Đây là lần đầu tiên quan chức này đảo chiều nhận định, khi trước đó luôn ủng hộ lãi suất chính sách cần thắt chặt hơn để kiểm soát lạm phát.
Theo công cụ dự báo của CME, có 95% khả năng Fed sẽ không thay đổi lãi suất chính sách ở mức 5,25% - 5,0% trong cuộc họp đầu năm 2024 ngày 31/1, và chỉ có 5% khả năng cắt giảm xuống còn 5,0% - 5,25%. Theo kịch bản chiếm ưu thế của dự báo, Fed sẽ cắt giảm liên tiếp 6 lần trong năm nay, lãi suất chính sách cuối năm rơi về mức 3,75% - 4,0%.
Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI lõi Mỹ tiếp tục đi ngang so với tháng trước và PPI toàn phần giảm 0,1% so với tháng trước trong tháng 12/2023, giống với ghi nhận ở tháng 11 và trái với dự báo lần lượt tăng 0,2% và 0,1%. So với cùng kỳ năm 2022, PPI lõi và PPI toàn phần lần lượt tăng 2,5% và 1,0%.
Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 6/12 ở mức 202 nghìn đơn, giảm nhẹ từ mức 203 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn so với dự báo ở mức 209 nghìn đơn. Trung bình 4 tuần gần nhất, số đơn xin trợ cấp ở khoảng 207,75 nghìn, tăng nhẹ 0,25 nghìn so với bình quân 4 tuần trước đó.
Nước Anh ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý. Đầu tiên, GDP tại quốc gia này tăng 0,3% m/m trong tháng 11 sau khi giảm 0,3% ở tháng trước đó, tích cực hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Cũng trong tháng 11, sản lượng công nghiệp tại nước Anh tăng 0,3% so với tháng trước sau khi giảm 1,3% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia.
Mặc dù vậy, sản lượng xây dựng tiếp tục giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước trong tháng 11, nối tiếp đà giảm 0,4% của tháng 10, trái với kỳ vọng hồi phục 0,2%. Cuối cùng, cán cân thương mại Anh thâm hụt 14,2 tỷ GBP trong tháng 11, ít hơn mức thâm hụt 15,9 tỷ của tháng 10, đồng thời ít hơn mức thâm hụt 15,7 tỷ theo dự báo.
Trong tuần này thị trường Anh tiếp tục chờ đợi nhiều chỉ báo kinh tế quan trọng của tháng 12, đáng chú ý là doanh số bán lẻ và chỉ số giá tiêu dùng CPI. Ngoài ra, Thống đốc NHTW Anh Andrew Bailey sẽ có buổi điều trần trước Ủy ban Kinh tế Anh vào tối ngày 16/1 theo giờ Việt Nam.