Định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023 là gì?
Định hướng hướng điều hành lãi suất của NHNN trong nửa cuối năm 2023 là gì? |
Theo số liệu thực tế của Tổng Cục thống kê công bố cho thấy trong những tháng cuối năm 2022, chỉ số CPI lõi (lạm phát cơ bản) của Việt Nam có mức tăng so với tháng trước dao động trong khoảng 0,33%-0,47%, là mức tăng tương đối cao, khiến lạm phát cơ bản so với cùng kỳ tăng khá nhanh và liên tục (tăng từ mức 3,06% trong tháng 8/2022 lên mức 4,99% trong tháng 12/2022).
Bước sang 5 tháng đầu năm 2023, lạm phát CPI và lạm phát cơ bản trong nước liên tục tăng chậm lại chủ yếu do giá hàng hóa, dịch vụ giảm và sức cầu trong nước yếu. So với cùng kỳ, lạm phát CPI tháng 5 giảm nhanh về mức 2,43%, bình quân 5 tháng đầu năm 2023 là 3,55% - thấp hơn mục tiêu 4,5%; lạm phát cơ bản cũng giảm dần về mức 4,54%, tuy nhiên tốc độ giảm chậm hơn đáng kể so với lạm phát CPI.
Như vậy, diễn biến lạm phát nêu trên cho thấy việc đạt được mục tiêu lạm phát bình quân cả năm 2023 khoảng 4,5% là khả thi và phù hợp với nhận định lạc quan của nhiều tổ chức quốc tế (khoảng 3,0-5,5%), nhờ một số yếu tố chính hỗ trợ như: (i) Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại kéo theo triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, chi tiêu của người dân tuy phục hồi nhưng vẫn chưa đủ mạnh; (ii) Giá hàng hóa cơ bản thế giới (xăng dầu, phi năng lượng,…) được các tổ chức quốc tế (IMF, WB, EIA) dự báo giảm từ nay đến cuối năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước phát triển, giúp giảm bớt áp lực lên lạm phát trong nước; (iii) Việc thực hiện giải pháp hỗ trợ giảm thuế VAT (giảm từ 1/7) không chỉ giúp hạn chế tác động trực tiếp lên lạm phát mà còn hỗ trợ kiểm soát lạm phát kỳ vọng.
Tuy nhiên, diễn biến lạm phát cơ bản nêu trên khiến chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát vì mặt bằng lạm phát cơ bản đang ở mức rất cao trong lịch sử, cho thấy sự gia tăng dai dẳng của mặt bằng giá cả và là dấu hiệu cảnh báo trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro gia tăng lạm phát chung trong nước như: (i) Áp lực tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý (điện, nước, y tế, giáo dục) theo lộ trình sau khi đã hoãn lộ trình điều chỉnh sau hơn 03 năm bị trì hoãn để hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch Covid-19 là yếu tố tạo áp lực lớn lên lạm phát năm 2023; (ii) Lương cơ bản tăng (kể từ 1/7/2023) sau 3 năm bị hoãn sẽ làm tăng tổng cầu thông qua chi tiêu và đầu tư của hộ gia đình; (iii) Diễn biến xung đột chính trị - quân sự tại một số quốc gia, khu vực có thể gia tăng trở lại, làm gia tăng rủi ro đối với giá các mặt hàng năng lượng (xăng dầu, chất đốt) và nguyên, vật liệu khác; (iv) Giá lương thực, thực phẩm tiềm ẩn rủi ro tăng do diễn biến thời tiết, dịch bệnh khó lường, cùng với nhu cầu trong nước và Trung Quốc tăng, trong khi giá các yếu tố đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi…) vẫn ở mức cao; (v) Sản xuất của nền kinh tế suy yếu, có thể gây ra thiếu cung, giá một số mặt hàng có thể tăng.
Ngoài ra, với độ mở nền kinh tế lớn, ngoài mục tiêu lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ còn phải ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Trong bối cảnh lãi suất đồng USD quốc tế neo ở mức cao (hiện là 5-5,25%/năm) và còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, lãi suất VND cần có mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD để duy trì lợi ích của việc nắm giữ VND, bảo đảm giá trị VND, từ đó hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, không tạo áp lực đến tỷ giá. Nếu tỷ giá tăng quá cao (đồng VND mất giá) có thể dẫn đến lạm phát nhập khẩu, qua đó ảnh hưởng đến lạm phát CPI. Thực tế điều hành nhiều năm qua đã chứng minh rõ điều này. Việc duy trì sự ổn định của thị trường ngoại tệ và tỷ giá cũng là yếu tố quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, trước bối cảnh tỷ giá ổn định trở lại và lạm phát có xu hướng giảm tốc, NHNN đã quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến lạm phát và kinh tế vĩ mô, triển khai quyết liệt các giải pháp để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trên cơ sở lạm phát được kiểm soát và kinh tế vĩ mô ổn định. NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi; đồng thời, việc điều hành lãi suất nói riêng hay điều hành chính sách tiền tệ nói chung cần được thực hiện trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô để đảm bảo cân đối hài hòa nhất các mục tiêu kinh tế vĩ mô.