Doanh nghiệp chật vật tuyển dụng lao động
Doanh nghiệp gắng sức tuyển dụng đủ lao động |
Thiếu hụt lượng lớn lao động
Gấp rút tăng tuyển dụng lao động từ cuối tháng 3 đến nay để phục hồi lại sản xuất nhưng Công ty TCVina vẫn chưa tuyển được đủ 5.000 chỉ tiêu cho một doanh nghiệp lắp ráp điện tử ở Khu công nghiệp Đồng Văn 4 ( tỉnh Hà Nam).
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Đình Tuệ, Phụ trách tuyển dụng của Công ty TCVina cho biết, các doanh nghiệp cùng ngành cũng đang cạnh tranh tuyển dụng khá gay gắt nhưng chắc có lẽ phải chờ cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi học sinh, sinh viên ra trường thì may ra mới có thể tuyển dụng đủ số lượng. Ông Tuệ chi biết thêm dù đã vào tận Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình… để tìm lao động nhưng vẫn chưa kiếm đủ số lượng.
Tương tự, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động cũng diễn ra ở một số ngành, nghề. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cao su Bình Thuận cho biết, giá cao su đang ở mức cao nhưng doanh nghiệp lại thiếu lao động để khai thác. Những vườn cao su có năng suất hiệu quả nhất là 3 ngày/lần cũng phải chuyển chế độ cạo sang 4 ngày/lần, thậm chí 5 ngày/lần. Một số doanh nghiệp cao su khác vừa phải dời chế độ cạo mủ vừa đấu thầu và khoán bên ngoài tại các vườn cao su đến tuổi khai thác để bù đắp việc thiếu hụt lao động.
Theo thống kê, năm 2022 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp dự báo sẽ tăng 18% so với năm 2021 với gần 1,3 triệu lao động. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhiều địa phương đang cần một số lượng lớn lao động như Bình Dương (90.000 lao động), Long An (51.000 lao động), Hải Phòng (trên 50.000 lao động)…
Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quý I/2022 đã xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực với khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2 - 3%.
Chi phí nhân sự tăng nhanh
Để đáp ứng quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh tuyển dụng bằng nhiều giải pháp cạnh tranh để bù đắp sự thiếu hụt nhân sự. Theo đó, thay vì mức lương cơ bản từ 5-7 triệu đồng/tháng như trước đây, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng lương lên mức hấp dẫn cho lao động.
Chẳng hạn như Công ty cổ phần Dệt may Gia Định cũng đang tuyển gấp 300 công nhân lao động phổ thông với mức lương dao động từ 7-15 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, Công ty Luật TNHH Matrix Law Firm cần tuyển gấp nhiều nhân sự với mức thu nhập trung bình từ 10-30 triệu đồng/người/tháng, tùy từng vị trí công việc.
Tăng lương không chỉ là giải pháp tình thế duy nhất để tuyển dụng và giữ chân người lao động lâu dài. Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) đang tuyển 500 lao động với mức thu nhập từ 8-13 triệu đồng/người/tháng, thưởng cuối năm từ 2-3 tháng lương, phụ cấp tiền thuê nhà trọ, tiền gửi trẻ 200 nghìn đồng/tháng.
Không ít doanh nghiệp còn lo chỗ ăn ở miễn phí cho lao động ở gần nhà máy, khu chế xuất, nông trường, đồng thời tạo điều kiện cho con em lao động được đến trường. Toàn bộ lao động được ký hợp đồng lao động sẽ được doanh nghiệp trích nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..., hỗ trợ tiền xăng xe, tiền cơm, thưởng chuyên cần… Đối với các lao động ở xa, doanh nghiệp cũng cam kết hỗ trợ thuê xe đưa công nhân và gia đình về quê ăn Tết và trở lại sau Tết.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút, tuyển dụng được lao động trong giai đoạn khó khăn này, các bộ, ngành, địa phương cũng triển khai một số giải pháp. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất chính sách như hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khẩn trương thực hiện chuyển đổi số để tăng cường kết nối cung - cầu lao động qua nền tảng số; tổ chức hoạt động thông tin, kết nối cung - cầu lao động trên cơ sở liên kết, hợp tác vùng...
Với Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng triển khai một số giải pháp để người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động như: Tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm với 746 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng là 11.900 chỉ tiêu; cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, lưu động tại các quận, huyện nhằm đưa thông tin về nhu cầu lao động đến trực tiếp với từng đối tượng cụ thể...
Cũng trong thời gian này, tỉnh Bến Tre đã rà soát, tổng hợp dự kiến số đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động khoảng 18.548 lao động với kinh phí hỗ trợ là 33,387 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ khoảng 14.838 người lao động đang làm việc với số tiền khoảng 22,257 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 3.710 người lao động quay trở lại thị trường lao động với số tiền là 11,130 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một chuyên gia nhìn nhận, tất cả các giải pháp nêu trên mới chỉ là tình thế. Về lâu dài, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch thay đổi công nghệ, chuyển đổi mô hình và phát triển theo hướng bán tự động để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lao động, gây ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, sử dụng lao động một cách hiệu quả, có lộ trình phát triển nguồn lao động để không thâm dụng lao động như lâu nay.