Doanh nghiệp da giày kỳ vọng những thay đổi tích cực
Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia, khu vực thị trường thế giới, hứa hẹn sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho những ngành hàng xuất khẩu thế mạnh, trong đó có ngành da giày. Tuy nhiên, suốt năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp da giày Việt phải chật vật khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường xuất khẩu sụt giảm, không có đầu ra cho sản phẩm. Nhiều thị trường lớn tiêu thụ da giày Việt như Hoa Kỳ (Mỹ), Châu Âu (EU) sụt giảm đến 50% lượng hàng nhập khẩu. Bước sang năm 2021, doanh nghiệp da giày Việt đang chờ đợi những thay đổi tích cực hơn.
Hy vọng vào năm 2021, da giày sẽ là một trong những ngành tận dụng tốt nhất các FTA |
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngay từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã gây đứt gãy chuỗi cung cầu, khiến xuất khẩu mặt hàng da giày giảm 10% so với năm 2019, đạt khoảng 20 tỷ USD, không thể hoàn thành mục tiêu đặt ra của ngành là đạt kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD/2020.
Những khó khăn mà doanh nghiệp da giày Việt gặp phải là ngay từ tháng 3, 4/2020 khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, nguồn cung nguyên phụ liệu sản xuất da giày gián đoạn, nhiều doanh nghiệp trong ngành thiếu nguyên liệu sản xuất, phải giảm sản lượng hàng. Bởi trong ba khâu của chuỗi giá trị toàn cầu ngành da giày là nguyên liệu đầu vào, sản xuất, phân phối, thì Việt Nam đang làm rất tốt ở khâu sản xuất. Do đó, việc phụ thuộc nguồn cung vật tư, nguyên liệu đầu vào sẽ khiến doanh nghiệp bị động trong sản xuất.
Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp Việt sản xuất da giày xuất khẩu, phải làm theo chỉ định của khách hàng về nguyên phụ liệu, mẫu mã… nên nhiều loại nguyên liệu Việt Nam sản xuất được, nhưng theo ý khách hàng, doanh nghiệp không dùng nguyên liệu trong nước.
Về thị trường xuất khẩu, đến cuối tháng 12/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt khoảng 16,5 tỷ USD, giảm hơn 10% so với năm 2019. Đây được xem là mức giảm nhẹ so với mức độ tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu. Vì Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, sản xuất không bị gián đoạn, quý cuối cùng của năm 2020 nhiều doanh nghiệp trong ngành bắt đầu nhận được các đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam, giúp khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, tình hình dịch bệnh tại các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Anh, EU… vẫn diễn biến phức tạp, lượng đơn hàng da giày giảm đến 80% trong năm 2020 đến nay chưa có dấu hiệu tăng. Một số đơn đặt hàng trong năm 2020 tiếp tục bị kéo giãn thời gian giao hàng.
Đến nay, các thị trường lớn của ngành da giày Việt đều giảm kim ngạch nhập khẩu. Cụ thể, thị trường Mỹ chiếm 37,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường EU đứng thứ hai chiếm 25,4%, giảm 15,9%. Tiếp sau là thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác như Séc, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Luxembourg… tuy không là thị trường chính nhưng giảm kim ngạch cũng khiến doanh nghiệp khó chồng khó.
Cái khó lớn nhất mà doanh nghiệp da giày Việt hiện nay (so với các ngành sản xuất hàng xuất khẩu khác), là xuất khẩu bị đình trệ, cũng rất khó để tăng tiêu thụ nội địa. Hiện toàn ngành có đến hơn 1.700 doanh nghiệp, sản lượng giày vào khoảng 1,1 tỷ đôi/năm, túi xách, ba lô khoảng 400 triệu sản phẩm/năm, áp lực không có đầu ra luôn đè nặng lên các doanh nghiệp. Phần lớn sản phẩm da giày dành cho xuất khẩu rất khó tiêu thụ tại thị trường nội địa do giá thành cao. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp ngành da giày đang sản xuất cầm chừng.
Bà Phan Thị Thanh Xuân dự báo, doanh nghiệp thuộc Lefaso hy vọng vào năm 2021, da giày sẽ là một trong những ngành tận dụng tốt nhất các FTA, đưa xuất khẩu da giày, túi xách tăng trưởng từ 15% - 20% nếu tình hình dịch Covid-19 kiểm soát tốt. Để đón đầu cơ hội này, nhiều doanh nghiệp trong ngành tăng đầu tư xây dựng nhà máy nguyên phụ liệu, nhằm đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ ở các thị trường xuất khẩu khó tính.