Doanh nghiệp điện tử Việt Nam chật vật
Theo Hiệp hội Điện tử Việt Nam, hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 10 thế giới, thứ 3 trong khối ASEAN, với kim ngạch hàng chục tỷ USD/năm. Sự đóng góp của ngành điện tử là rất lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có một thực tế là trên 95% kim ngạch xuất khẩu điện tử đều từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và dù là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng doanh nghiệp Việt đang gần như đứng ngoài sân chơi này.
Điểm yếu của doanh nghiệp điện tử Việt là không đủ kiều kiện để đầu tư, đổi mới công nghệ… |
Khoảng 5 năm trước, Việt Nam có trên 1.000 doanh nghiệp điện tử, với gần 500.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm lên đến 60 tỷ - 70 tỷ USD/năm. Lúc này phần lớn các doanh nghiệp này đầu tư vào điện tử dân dụng. Nhưng sau 5 năm, khi các tập đoàn điện tử lớn, chuyên sản xuất, lắp ráp điện tử dân dụng không còn ở Việt Nam thì doanh nghiệp Việt chỉ tập trung vào lắp ráp, phân phối, không còn đầu tư chiều sâu vào công nghệ và dây chuyền sản xuất, dẫn đến việc không có đủ sức cạnh tranh. Lúc này, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam chỉ còn làm hàng gia công, không còn thương hiệu.
Thị trường hàng điện tử Việt Nam mất cân đối nghiêm trọng, phát triển không có chiến lược dài hạn. Sản phẩm có thị trường lớn và kinh doanh sôi động nhất Việt Nam hiện nay là các mặt hàng điện tử dân dụng như các thiết bị nghe nhìn, các phương tiện giải trí. Nhưng các doanh nghiệp Việt cũng chỉ chiếm chưa quá 15% thị phần tại thị trường nội, còn lại hầu hết là sản phẩm của doanh nghiệp FDI cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, gần như không có, chưa thực hiện được các công đoạn chế biến sâu trong chuỗi giá trị ngành.
Theo ông Nguyễn Phước Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), hiện nay số lượng doanh nghiệp hội viên của VEIA chưa đến 100 doanh nghiệp, không thể so sánh với hơn 400 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp Việt sản xuất gia công từng nhóm sản phẩm cho doanh nghiệp FDI (là các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Canon, Intel, Panasonic…), còn lại rất ít sản xuất hàng dân dụng (máy tính, hàng điện tử gia dụng, thiết bị viễn thông…).
Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực điện tử phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực đầu tư sản xuất. Doanh nghiệp nào có khả năng sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa, thì lại yếu và khó trong việc nhập khẩu linh kiện sản xuất. Điểm yếu lớn hiện tại của doanh nghiệp điện tử Việt còn ở chỗ không đủ điều kiện để đầu tư, đổi mới công nghệ, tự động hóa sản xuất… dẫn đến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, nếu không nói là thấp. So sánh với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia… thì hàng điện tử Việt còn kém xa.
Về phía ngành chức năng, Bộ Công thương cũng đã có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp điện tử như, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, năng lực công nghệ của doanh nghiệp, để có thể tiếp cận được với các sản phẩm mang tính kỹ thuật cao, tạo kênh xúc tiến thương mại... Tuy nhiên, đến thời điểm này, doanh nghiệp điện tử Việt vẫn rất chật vật.