Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm ưu thế
Tính đến nay Việt Nam đã tham gia 15 FTA với tổng cộng 51 đối tác ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Trong đó có nhiều FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao nhất như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đây được cho là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động quan tâm tìm hiểu các cam kết cụ thể liên quan đến vấn đề này.
Thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong những năm gần đây tăng mạnh |
Đơn cử như với Hiệp định RCEP, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cùng việc nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tương đối nhanh (so với các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ), ý nghĩa của RCEP đối với xuất khẩu của Việt Nam càng quan trọng hơn. Hiệp định này cũng được kỳ vọng sẽ thêm cơ hội cho các dịch vụ như logistics, viễn thông, v.v.; tạo ra nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và cạnh tranh hơn. Nếu giữ được chuẩn chất lượng hàng hóa vào các thị trường tiêu chuẩn cao như CPTPP và EU, Việt Nam sẽ có không ít cơ hội để tăng cường khai thác các thị trường RCEP trong thời kỳ hậu Covid-19 và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đa dạng cả về loại hình và giá cả của các nước đối tác. Các quy định về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc từ các nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao, với mức giá thấp hơn. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí thấp hơn góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Có thể thấy, mặc dù khả năng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định FTA của doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi mới chỉ ở mức dưới 40%, điều này có nghĩa là phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước chưa được hưởng mức thuế ưu đãi theo các hiệp định FTA.
Đại diện VCCI chia sẻ, mặc dù các FTA đang và sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nhưng để nói rằng doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng để thực hiện lợi ích từ các FTA này thì vẫn còn sớm. Khảo sát cho thấy, trên một nửa doanh nghiệp thừa nhận năng lực cạnh tranh của họ còn kém so với đối thủ khiến việc tận dụng các cơ hội từ FTA hạn chế. Có đến 1/3 các doanh nghiệp biết rằng, cần điều chỉnh cách thức, dây chuyền sản xuất kinh doanh để tranh thủ các FTA nhưng lại không có đủ khả năng điều chỉnh vì không đủ tài chính hoặc không biết phải điều chỉnh thế nào.
TS. Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho biết, với những lợi ích mà các FTA mang lại, dường như các doanh nghiệp FDI đang tận dụng tốt hơn các doanh nghiệp Việt. Minh chứng là việc thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong những năm gần đây tăng mạnh hơn. Trong năm 2020, trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong năm 2020 đạt 371,90 tỷ USD, tăng 11,8%, tương ứng tăng 39,26 tỷ USD so với năm 2019. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 8,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 8,4 tỷ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp phần nhập siêu gần 6,7 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD. Để có được con số này, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều lợi thế, từ kinh nghiệm đến vốn, từ năng lực quản trị đến cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong nước.
Có thể khẳng định đến thời điểm này, lợi ích thu được từ các FTA còn xa so với kỳ vọng. Bên cạnh năng lực cạnh tranh, hiểu biết của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế, bên cạnh đó là sự bất cập trong công tác tổ chức thực thi FTA và hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy, trong thời gian tới để khắc phục và tận dụng tốt hơn các FTA, cả doanh nghiệp và Nhà nước cùng phải chủ động nâng cấp chính mình. Các doanh nghiệp bên cạnh việc đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết... từ đó, đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp. Bởi vì, nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn, thì quy tắc xuất xứ nổi lên như một rào cản mới. Doanh nghiệp cũng phải tham gia cùng Nhà nước vào quá trình nội luật hóa các FTA, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Trên con đường hội nhập, chúng ta chẳng thể đi một mình, không thể thiếu vai trò của ai, TS. Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh.