Doanh nghiệp gặp khó với cảnh báo hóa đơn
Nhức nhối hành vi mua bán hóa đơn trái phép Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử |
Để tính toán tỷ lệ hàng hóa vượt ngưỡng trong hóa đơn, hệ thống phần mềm của cơ quan thuế sẽ kiểm soát tổng giá trị hàng hóa bán ra trên các hóa đơn đã xuất so với ngưỡng giá trị hàng hóa đầu vào được tính bằng K lần tổng giá trị hàng tồn kho và tổng giá trị hàng hóa mua vào.
Trên thực tế tại các địa phương, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, hệ số K mà Tổng cục Thuế xây dựng, tích hợp trong phần mềm quản lý hóa đơn điện tử còn nhiều bất cập, chưa chính xác và chưa đầy đủ. Vì thế, thời gian qua, hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã gặp phiền phức khi liên tục phải gửi cảnh báo hóa đơn cho đối tác, khách hàng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Công ty TNHH Đại lý thuế BCTC (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ngành thuế xây dựng hệ số K để quản lý rủi ro hóa đơn, ngăn chặn tình trạng xuất hóa đơn khống là cần thiết và nên làm để từng bước loại trừ các doanh nghiệp cố tình lợi dụng chính sách, gian lận, mua bán hóa đơn gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, cách xây dựng hệ số K hiện nay của Tổng cục Thuế chưa rõ ràng và đầy đủ. Cụ thể, với cách tính hiện nay, hệ số K được tính bằng doanh thu bán ra lũy kế/giá trị mua vào lũy kế + giá trị hàng tồn kho. Như vậy, hệ số này chỉ phù hợp khi áp dụng đối với doanh nghiệp thương mại sản xuất, xây dựng…
Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, không thể áp dụng vì nhiều loại hình dịch vụ không có hàng tồn kho, vì thế nếu bị cảnh báo “không có hàng tồn kho” và đưa vào danh sách rủi ro là chưa chính xác. Chẳng hạn, các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động, tư vấn luật… chủ yếu là nhân sự con người, không có hàng tồn kho, đầu vào cũng không có hoặc có không đáng kể thì hệ số K không có vai trò gì trong việc đánh giá rủi ro.
Ông Thức phân tích, ngay cả khi áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, hệ số K mà Tổng cục Thuế đang sử dụng cũng có nhiều hạn chế. Chẳng hạn, việc yêu cầu doanh nghiệp phải có hóa đơn nhập hàng đầu vào khớp hoàn toàn với kế hoạch đầu ra tương lai là bất hợp lý. “Ví dụ, doanh nghiệp A có kế hoạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025 với khối lượng X sản phẩm thì trong năm 2024, doanh nghiệp phải nhập hàng đủ số lượng, rải rác từ tháng này sang tháng nọ cho tới khi đủ theo hợp đồng. Như vậy thì tồn kho sẽ rất lớn, trong khi bán ra thì chưa có”, ông Thức nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, các chuyên gia lĩnh vực kế toán tại Công ty TNHH Dịch vụ kế toán Đồng Hưng (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, việc dùng hệ số K như hiện nay làm căn cứ để xác định doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, sau đó gửi cho đối tác, bạn hàng nhằm cảnh báo là chưa phù hợp. Việc này có thể dẫn đến các cơ sở làm ăn đúng quy định nhưng thường xuyên bị cảnh báo, yêu cầu giải thích, ảnh hưởng đến uy tín và rủi ro bị hủy hợp đồng.
Chưa kể rằng, hiện nay trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nhân sự, đủ kiến thức, trình độ chuyên môn để hiểu và thực hiện việc giải trình đúng, đủ theo yêu cầu của cơ quan thuế. Việc này có thể dẫn tới rủi ro doanh nghiệp bị cơ quan thuế ngừng cung cấp hoá đơn điện tử, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Ghi nhận trên các diễn đàn cộng đồng nhân sự kế toán hiện nay, hàng nghìn ý kiến bức xúc của các doanh nghiệp liên quan đến những bất cập của hệ số K trong các quy định quản lý rủi ro hóa đơn của ngành thuế đã được trình bày, trao đổi và tham vấn các cơ quan thuế. Trong khi hiện nay, tốc độ phản hồi (hướng dẫn, sửa đổi các quy định) của ngành thuế khá chậm chạp. Nhiều trường hợp các hướng dẫn mang tính thiếu thống nhất trên phạm vi toàn quốc, khiến doanh nghiệp, người nộp thuế gặp lúng túng, khó khăn, tốn kém đáng kể về thời gian và chi phí để tuân thủ pháp luật về thuế.