![]() |
Vận tải là một trong những lĩnh vực đầu tiên phải báo cáo phát thải vào cuối tháng Ba - Ảnh: Lê Hồng Thái |
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam với quốc tế, bắt đầu từ cuối tháng 3/2023, hơn 1.900 doanh nghiệp thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính tại đơn vị, định kỳ kiểm kê sẽ tiến hành hai năm một lần.
Trong dài hạn, từ năm 2024 trở đi, các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức thực hiện kiểm kê, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần, gửi báo cáo cho UBND cấp tỉnh, thành phố trước 31/3 hàng năm nhằm thẩm định, hoàn thiện báo cáo kết quả cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 1/12 hàng năm.
Liên quan đến hoạt động này, trong hai ngày qua, hàng nghìn doanh nghiệp niêm yết đã được Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) tập huấn, đào tạo về kiểm kê và báo cáo khí nhà kính.
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HoSE, cho biết đơn vị này đang cân nhắc sẽ đưa tiêu chí phát thải khí nhà kính vào báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết làm điểm phạt nếu các doanh nghiệp không có nội dung báo cáo về khí phát thải.
Được biết hiện nay, tại Việt Nam, các chuẩn mực, quy định, hướng dẫn đang giúp cho hoạt động công bố thông tin theo ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang ngày càng hoàn thiện. Theo đó, các văn bản luật, như: Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn; Quyết định 01/2022/QĐ-TTg về ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; danh mục 1.900 doanh nghiệp buộc phải kiểm kê, kê khai khí phát thải nhà kính… đều đã được ban hành. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ các công ty niêm yết tham gia báo cáo số liệu cơ bản về khí nhà kính còn thấp. Các chỉ số về phát thải nhà kính còn khá cao.
Thống kê của Tổ chức JICA trong khuôn khổ Dự án JICA SPI-NDC (thực hiện trong năm 2021-2022) cho thấy, phát thải từ ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi so với hiện nay vào năm 2050.
Trong đó, quy trình sản xuất, bao gồm các đầu vào như phân bón, là nguyên nhân hàng đầu đóng góp vào lượng phát thải của hệ thống thực phẩm. Cùng với đó, sản xuất bao bì cũng chiếm một tỷ lệ tương tự trong lượng khí thải, khoảng 5,4%, nhiều hơn so với vận chuyển hoặc các yếu tố chuỗi cung ứng khác.
Theo nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), tổng phát thải khí nhà kính của TP.HCM năm 2022 ở mức hơn 60 triệu tấn CO. Trong đó, lượng bụi mịn PM2.5 cùng các khí độc hại (như NO2, SO2, CO...) đều vượt ngưỡng khuyến nghị cho sức khỏe từ 4 - 5 lần theo quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nguyên nhân chủ yếu đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp như: dệt may, sản xuất kim loại… chiếm hơn 30% tổng lượng khí thải. Các hoạt động giao thông đường bộ cũng sản sinh ra hơn 20% tổng lượng khí thải, trong đó xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất.
PGS.TS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP.HCM, cho biết ô nhiễm không khí tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe như bệnh về đường hô hấp, các nguy cơ dẫn đến tử vong sớm, thậm chí vượt qua cả thuốc lá.
“Tại TP.HCM, từ năm 2017 đến nay, có hơn 1.000 người chết mỗi năm do những bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí như nhồi máu cơ tim, viêm nhiễm đường hô hấp và ung thư phổi”, bà Lan cho biết.
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm phát thải nhà kính, được biết hiện nay, TP.HCM đã đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% khí phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM hiện đã hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo lượng phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Song song đó, TP.HCM cũng đang triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Dự án này được kỳ vọng góp phần giảm kẹt xe, giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả tính toán cho thấy, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ dự án là 44.638 tấn CO2/năm.
Trong các năm tới, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp thay thế xăng, dầu diesel bằng nhiên liệu sạch cho phương tiện xe buýt. Ước tính, lượng khí thải nhà kính có thể giảm 56.771 tấn CO2/năm nếu triển khai sử dụng nhiên liệu sạch.
Thạch Bình
Nguồn: