Doanh nghiệp Nhà nước đang chậm chuyển mình
Đó là những thông tin đáng chú ý mà ông ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nêu tại hội thảo “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới”, sáng ngày 26/9.
Cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN |
Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, DNNN có hiệu quả hoạt động tốt, nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là khối tổng tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỷ đồng của đất nước |
Chưa tương xứng với tiềm năng
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước.
Chỉ tính riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (chưa đến 0,1% số doanh nghiệp hoạt động) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường). Do đó, khu vực DNNN, đặc biệt là các DNNN quy mô lớn đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.
Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của DNNN là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.
Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước cả năm 2023 ước đạt 128.821 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đánh giá, sự phát triển lớn mạnh của các DNNN không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.
DNNN còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện.
Ngoài kết quả đạt được, ông Trung cho rằng, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DNNN, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế.
Theo Thứ trưởng, các DNNN đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét.
"DNNN có hiệu quả hoạt động tốt, nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là khối tổng tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỷ đồng của đất nước", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Trong đó, chất lượng, hiệu quả của DNNN chủ yếu xuất phát từ những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí, hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại như viễn thông, tài chính tín dụng,...
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng. Việc đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số; các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch,...
Đặc biệt, khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN còn hạn chế, khi mới chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu thực tế, các DNNN chưa có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, trong thời gian tới cần tập trung xác định các vấn đề cơ bản với bốn nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam
Thứ hai, cần bàn luận đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới, đặc biệt là giải pháp nào nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ ba, đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của DNNN.
Thứ tư, xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của DNNN trong giai đoạn tới và phát triển các DNNN quy mô lớn thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới với phương châm "Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá."
Xử lý những dự án yếu kém
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới và tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với DNNN, cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN. Từ đó, làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Phạm Văn Sơn cho biết, Ủy ban được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật.
Nếu so với năm 2018 (thời điểm bắt đầu chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của các doanh nghiệp tăng từ 1,05 triệu tỷ đồng lên 1,54 triệu tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,36 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước).
Đến nay, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện. Còn lại 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại, Ủy ban đã trình Thủ tướng phương án xử lý.
Cụ thể, dự án Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS đã trình Thủ tướng phương án xử lý ngày 28/8; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2 và dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung - VTM đã trình ngày 15/9.
“Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban sẽ báo cáo Bộ Chính trị phương án xử lý đối với 3 dự án còn lại theo đúng Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2023”, ông Sơn cho biết.