Xử lý các dự án yếu kém: Giữ tinh thần quyết liệt tồn tại mãi
Ảnh minh họa |
Kết quả xử lý có chuyển biến và hiệu quả
Kể từ sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã cùng lúc xử lý nhiều nhiệm vụ đặt ra, trong đó Chính phủ luôn xác định việc xử lý các vấn đề tồn tại của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ là nhiệm vụ quan trọng và được Chính phủ tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, kế thừa kết quả của nhiệm kỳ trước, đặc biệt từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số dự án trì trệ đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động và kinh doanh có lợi nhuận. Cùng với đó, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468), ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án trên thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, 12 dự án này bắt đầu từ rất lâu, có những dự án được chuẩn bị từ năm 2005-2009. Những khó khăn của các dự án cũng rất đa dạng như tổng mức đầu tư tăng lên, chi phí vay vốn cao, các vấn đề về phân bón và nhiên liệu sinh học. Bên cạnh đó, cũng có những dự án vướng ở vấn đề tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Trong quá trình xử lý các dự án này, Chính phủ khoá trước và khoá này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo và sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan cũng rất sát sao; các tổ chức tín dụng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và những nhà tài trợ vốn cho dự án cũng đã tham gia rất tích cực, kể cả các giải pháp liên quan đến chính sách như khấu hao… Những vấn đề liên quan tới chính sách, cơ chế đã căn bản được tháo gỡ, một số dự án đã được đưa ra khỏi danh mục các dự án nhóm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xử lý các dự án yếu kém, ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cho biết, 4 đơn vị của Tập đoàn đã thành lập 1 Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV là Trưởng ban, từ đó đưa ra các giải pháp, thực hiện từ khâu quản trị nguyên liệu đầu vào, quản trị sản xuất và quản trị quy trình đầu ra; thực hiện ngay việc tiết giảm chi phí, rà soát lại toàn bộ chi phí không cần thiết để cắt giảm; thực hiện hợp lý hóa quy trình sản xuất ở tất cả các khâu, rà soát các quy trình và con người cũng như những vướng mắc.
Cùng với đó, đơn vị tiếp tục cắt giảm, ứng dụng công nghệ thông tin, hợp lý hóa quy trình sản xuất. Số lượng định biên lao động ban đầu là khoảng hơn 2.000, vào dự án còn 1.700, giờ chỉ còn hơn 1.200 (bằng 60% định biên)… Nhờ đó, dự án DAP Hải Phòng đã đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách 12 dự án, hiện tại kinh doanh bền vững. Đến năm 2021, ba dự án còn lại là dự án Đạm Hà Bắc lần đầu tiên sau 5 năm đi vào vận hành và đã có lãi; Dự án Đạm Ninh Bình và dự án DAP số 2 Lào Cai cũng đã cắt lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Các diễn giả tham gia tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chặng đường còn nhiều gian nan
Tuy nhiên, trong danh mục 12 dự án đang nhiều tồn đọng, mới chỉ có 5 dự án đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách vẫn còn lại 7 dự án do còn những vấn đề nổi cộm. Bàn về một số nguyên nhân, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phân tích, đầu tiên là vướng mắc về hợp đồng EPC (hợp đồng nhà thầu trọn gói đối với các dự án này). Đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư và nhà thầu rất quyết liệt thảo luận nhưng chưa đi đến được thống nhất và thương thảo về vấn đề này. Ví dụ tại dự án Nhà máy Thép Thái Nguyên mở rộng, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc… Thứ hai, xét lại tổng quan là vấn đề chi phí, trong đó chi phí tài chính quá cao do đầu tư tồn tích lại quá lớn.
“Nếu không giải quyết vấn đề xử lý chi phí tài chính thì không mở cho doanh nghiệp khả năng cạnh tranh trên cùng một mặt bằng so với các doanh nghiệp khác (tức là chi phí tài chính phải tương đương). Còn chưa giải thoát được hợp đồng EPC thì doanh nghiệp chưa chủ động hoạt động được các dây chuyền và quá trình sản xuất kinh doanh của mình”, ông Hồ Sỹ Hùng nói.
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, về cơ chế chính sách, doanh nghiệp cần sự chủ động hơn. Thực chất, doanh nghiệp nhà nước luôn phải thực hiện đúng quy định về chế độ, chính sách, hệ thống luật pháp. Doanh nghiệp nhà nước nếu đi vay hoặc chuẩn bị dự án đầu tư đều phải chuẩn bị theo các quy trình, toàn bộ phải được sự chấp thuận theo các cấp của Thành viên Hội đồng quản trị, cao hơn nữa là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng doanh nghiệp tư nhân chỉ quyết định và có thể triển khai được ngay. Chính vì quá trình đầu tư kéo dài do thủ tục quá nhiều, việc xử lý chấp thuận từng khâu của các thủ tục cần phải có thời gian.
Bổ sung một số giải pháp để thúc đẩy quá trình xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 nên thách thức sắp tới rất nhiều với khối lượng công việc mới rất lớn. Chính phủ đã có lộ trình rất cụ thể cho nội dung này nhưng cần có sự quyết liệt đến từng dự án. Ví dụ, phải chọn phướng án xử lý cho EPC nhanh chóng nếu không có lựa chọn khác để xử lý dứt điểm.
Cùng với đó, về tư duy, phải hiểu lợi ích tốt nhất có tính thời điểm, phải thống nhất về nguyên tắc, phân định quyền, trách nhiệm của các bên liên quan, cam kết tạo ra cơ chế để người thực hiện nhiệm vụ yên tâm. Tinh thần quyết liệt cần được tồn tại mãi sau này.