Doanh nghiệp thủy sản đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, ngành thuỷ sản đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khi thu về 5,7 tỷ USD ngoại tệ qua xuất khẩu, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, mặt hàng cá tra đạt kỷ lục với doanh số 1,4 tỷ USD, tăng 82%. Mặt hàng tôm xuất khẩu vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 40% với gần 2,3 tỷ USD. Các mặt hàng hải sản dù khó khăn về nguyên liệu vẫn giữ được tăng trưởng từ 12-55% so với cùng kỳ.
Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản đã chớp lấy cơ hội từ những thị trường đang có nhu cầu lớn, thị trường luôn ưa chuộng sản phẩm thuỷ sản chế biến tại Việt Nam như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia… Nhiều doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu tăng trưởng bứt phá trong nửa đầu năm nay. Nổi bật trong đó là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn với doanh số xuất khẩu thuỷ sản trên 226 triệu USD, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa. |
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn cho biết, doanh thu xuất khẩu của công ty vào thị trường Mỹ đạt 330 tỷ đồng trong tháng 6, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu và tăng trưởng 11% so với tháng 6/2021. Thị trường Trung Quốc, châu Âu hay thị trường nội địa đều cho thấy cải thiện doanh thu so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thị trường châu Âu tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường Trung Quốc, doanh thu ghi nhận 159 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, một số công ty xuất khẩu tôm cũng ghi nhận mức tăng doanh số cao như CTCP Thuỷ sản Sóc Trăng với kim ngạch 188 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ, CTCP dịch vụ và Thuỷ sản Cà Mau tăng 47%, Công ty Thuỷ sản Sao Ta tăng 18%...
Tuy nhiên, VASEP cũng cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp thủy sản đang gánh nhiều khoản chi phí tăng, tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt.
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch Covid-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng 4-5 lần. Tại thời điểm tháng 6/2022, dù đã giảm một chút nhưng để xuất được một container (cont) 40 feet qua bờ Đông Hoa Kỳ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP. HCM (chiếm hơn 60%) thì trung bình là 400-410 triệu đồng/cont.
Trải qua 12 lần tăng giá kể từ đầu năm, hiện nay, 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Giá xăng dầu tăng cũng đẩy chi phí vận chuyển đường bộ, logistics tăng từ 10-20% so với trước. Đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới đã hồi phục sau Covid-19 và các nguồn cung đối thủ đang gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ.
Trong khi đó, theo VASEP, hiện nay nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng chiếm 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương đang đô thị hoá nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất đang là thách thực lớn cho doanh nghiệp thuỷ sản và người nuôi thuỷ sản.
Do vậy, VASEP cho rằng cần thúc đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Chính phủ và các địa phương cũng cần có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Ngoài ra, VASEP cho rằng các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Hiệp hội đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất, gia công cho xuất khẩu.