Doanh nghiệp Việt trước thách thức về chuỗi cung ứng
Cơ hội để doanh nghiệp điện tử tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu | |
Kết nối doanh nghiệp Việt tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu | |
Việt Nam - một mắt xích không thể tháo rời trong chuỗi cung ứng thế giới |
Thách thức từ chuỗi cung ứng cơ cấu lại
Theo thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện có 5.000 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu thuộc ngành cơ khí, dệt may, da giày. Tuy nhiên, 88% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dưới 300 lao động. Trong tổng số doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo của cả nước, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 4,5% - một tỷ lệ rất nhỏ. Điều đó cho thấy khu vực sản xuất trong nước chưa liên kết chặt chẽ và tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia, dù Việt Nam luôn dẫn đầu về thu hút FDI trong khu vực.
Ngoài những hạn chế về quy mô, thị phần, thương hiệu… doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều điểm yếu cố hữu như: trình độ, năng lực còn yếu; mức độ hiện đại hóa dây chuyền sản xuất còn thấp... Trong khi đó, dịch Covid-19 với các ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế thế giới nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, đã làm thay đổi các phương thức sản xuất công nghiệp một cách toàn diện, và các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đó đặt ra câu hỏi về việc các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ kết nối như thế nào khi các chuỗi này đang biến động “từng ngày”.
Doanh nghiệp Việt đang đứng trước thách thức phải kết nối lại với chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu, không chỉ của Việt Nam mà cả các quốc gia lớn trên thế giới. Bà Hương cho biết, điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn là không hề dễ dàng, ví như Samsung có 4 bộ chỉ số về đảm bảo chất lượng, an toàn an ninh, kiểm soát minh bạch, đảm bảo chỉ số sản xuất. Theo đó, để đáp ứng được những điều này cần nỗ lực lớn của doanh nghiệp, không chỉ cải thiện về năng lực, quy trình sản xuất, con người mà cả về năng lực tài chính…
Trước bối cảnh đó, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, xu thế tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay đặt ra rất nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tập trung chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp nói chung. Đến nay, nhiều chương trình hỗ trợ quốc gia, nhiều dự án, hoạt động được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế năng lực của các doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới.
Do đó, việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong đó có công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ưu tiên mà trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn là nhiệm vụ hàng đầu mà các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay thực hiện trong thời gian tới.
Tập đoàn đa quốc gia chủ động hợp tác
Đầu tư vào Việt Nam với tinh thần chọn nơi đây là “cứ điểm” của tập đoàn, Samsung đã có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp đối tác nội địa. Ông Lee Junho - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt - Hàn chia sẻ, nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu rất quan trọng. Việt Nam là quốc gia thu hút FDI hàng đầu ở Đông Nam Á - khu vực có nhiều tiềm năng thu hút ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Chính vì vậy, cần phải có nhiều chương trình, dự án nâng cao năng lực, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
“Doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, vì vậy chúng tôi đang có dự án nâng cao hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Để giải quyết vấn đề năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cần có cơ chế đẩy mạnh kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp đầu chuỗi với doanh nghiệp nhỏ; cần xây dựng chương trình, cơ chế mở rộng chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến thế giới”, ông Lee Junho chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Cấp cao Bộ phận hỗ trợ đối tác - Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam cho biết, trong suốt những năm qua, Samsung đã liên tục triển khai các dự án nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Samsung đã đặt ra những lộ trình chung và dài hạn cho sự phát triển của mình.
Từ năm 2015, Samsung tập trung xây dựng hệ sinh thái trục cung ứng của mình với các dự án như hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp, các dự án kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của mình.
Từ năm 2018, Samsung tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, như các dự án hỗ trợ đào tạo tư vấn viên Việt Nam và dự án đào tạo chuyên gia khuôn mẫu.
Từ năm 2020, Samsung tập trung vào phát triển công nghiệp giá trị cao với các dự án như hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh.
Đối với dự án tư vấn cải tiến doanh nghiệp, Samsung bắt đầu triển khai vào năm 2015 và tính đến nay đã hỗ trợ cho 379 doanh nghiệp ở cả phía Bắc và phía Nam với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn Hàn Quốc. Sau 7 năm thực hiện dự án, Samsung đã đạt được những con số khá ấn tượng như năng suất tăng từ 39,5%, tỷ lệ lỗi giảm 52,1% và giảm tồn kho là 36,4%...
Ngay đầu năm nay, Samsung và Bộ Công Thương đã ký kết dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh. Mục tiêu của dự án là trong năm 2022 và 2023, Samsung đào tạo được khoảng 100 chuyên gia tư vấn về lĩnh vực này. Ngoài ra, Samsung sẽ hỗ trợ cho 50 doanh nghiệp trên cả nước.
Những tháng đầu năm 2022, Samsung đã triển khai các dự án ở phía Bắc và đào tạo được 25 học viên cùng với tư vấn cho 14 doanh nghiệp tại 5 tỉnh, thành. Từ nay đến cuối năm, Samsung tiếp tục hỗ trợ để tư vấn cho các doanh nghiệp ở phía Nam với mục tiêu đào tạo khoảng 30 học viên và tư vấn cho khoảng 12 doanh nghiệp.