Đối thoại về chính sách thuế, hải quan với doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị, kịp thời
Ngành thuế, hải quan đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân |
Sự kiện có sự tham gia đông đảo đại diện một số bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đây là hội nghị thường niên lần thứ 15 được tổ chức.
Hội nghị diễn ra nhằm thông tin về những quy định mới về chính sách và quản lý thuế được ban hành trong một năm qua; đại diện lãnh đạo ngành thuế, hải quan lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình áp dụng pháp luật thuế, thực hiện thủ tục hành chính thuế và hải quan. Qua đó, ngành thuế và hải quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách, thủ tục, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính trong thời gian qua với mong muốn và nỗ lực tạo thuận lợi hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Qua đó, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn, những vấn đề khúc mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trên tinh thần đối thoại, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trước tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các bộ, ngành đã chủ động hỗ trợ người dân bằng những chính sách kịp thời.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Bộ Tài chính đã căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã luôn chủ động cải cách và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hải quan và thuế nhằm đạt được các mục tiêu: đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế xuất nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các Điều ước quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và các luật khác có liên quan.
Ngoài ra, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế và hải quan, ngành đã triển khai 194 dịch vụ công trực tuyến và tổ chức kê khai thuế điện tử trên 99% đối với doanh nghiệp. Ngành thuế cũng đã kết hợp với 55 ngân hàng thương mại để triển khai thu nộp thuế điện tử…
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực ngành thuế và hải quan trong việc cải cách hành chính, hiện đại hoá và hỗ trợ cho người nộp thuế trong thời gian qua, đặc biệt là giải đáp những vướng mắc phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp.
Tại cuộc đối thoại, đại diện Vietcombank cũng chia sẻ 3 nội dung vướng mắc của ngân hàng liên quan đến chính sách thuế, bao gồm: Nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân khi thực hiện chuyển quyền sở hữu bất động sản khi xử lý tài sản đảm bảo; văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại rà soát , xác định phụ thu liên quan đến ký thư tín dụng L/C để xác định nghĩa vụ thuế; Nghị định 126/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế có quy định ngân hàng thương mại sẽ cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Giải đáp vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2017 Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đối với thuế thu nhập cá nhân, Ngân hàng Nhà nươc (NHNN) Việt Nam quán triệt các tổ chức tín dụng về cách thức thanh toán các khoản thuế trong quá trình xử lý các tài sản đảm bảo. Riêng với thuế thu nhập cá nhân, hiện không có bất cứ cơ chế nào để miễn thuế.
Về thư tín dụng L/C, ông Đặng Ngọc Minh cho biết đây là một trong những vướng mắc đã được Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị đến NHNN. Bộ Tài Chính cũng có văn bản vào giữa tháng 10/2020 trình Chính phủ giao NHNN căn cứ luật các tổ chức tín dụng xác định dịch vụ L/C nào là dịch vụ cấp tín dụng, dịch vụ L/C nào là thanh toán qua tài khoản. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng thực hiện theo luật thuế giá trị gia tăng.
Liên quan đến quy định mới về việc ngân hàng thương mại cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, ông Đặng Ngọc Minh khẳng định, “Thông tin cung cấp sẽ theo yêu cầu của cơ quan Thuế cho từng trường hợp, từng đối tượng cụ thể. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với NHNN cũng như các tổ chức tín dụng để ban hành các quy chế, quy trình cấp dữ liệu. Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp tập trung về các giao dịch theo yêu cầu của ngành để quản lý”.
Qua những trao đổi thẳng thắn của các nhà quản lý và doanh nghiệp tại cuộc đối thoại, ông Hoàng Quang Phòng nhận định, với mong muốn phục vụ một cách tốt nhất để doanh nghiệp hoàn thành các nhiệm vụ và nghĩa vụ tài chính theo quy định của Nhà nước và bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn tuân thủ luật pháp về thuế, hải quan. Mọi vấn đề còn chồng chéo, khúc mắc, nếu liên quan đến luật sẽ chỉnh sửa luật; liên quan đến nghị định chỉnh sửa nghị định hoặc thông tư...
Với vai trò kết nối, phối hợp, VCCI sẽ tập hợp ý kiến đóng góp từ các hiệp hội để báo cáo Thủ tướng 1 tháng/lần và với Chính phủ 3 tháng/lần về những vấn đề cấp thiết nhất, liên quan tới sự sống còn của doanh nghiệp.