Đôla Úc quay đầu giảm khi tăng trưởng kinh tế không như dự báo
Đôla Úc quay đầu giảm khi tăng trưởng không như kỳ vọng |
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Úc chỉ tăng trưởng 0,8% trong quý 2 so với quý trước đó và tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với ước tính của các nhà kinh tế là tăng trưởng 0,9% và 1,9%. Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình là 4,6% trong khi chi tiêu hộ gia đình tăng 0,7% so với quý trước.
Đồng đôla Úc quay đầu giảm về còn 79,94 UScent lúc 12h43 tại Sydney, so với mức 80,17 UScent trước khi Báo cáo tăng trưởng được công bố.
Tuy nhiên đây là quý thứ 26 liên tiếp kinh tế Úc tăng trưởng, phù hợp với quan điểm của Ngân hàng Dự trữ Úc về nền kinh tế đang dần tăng tốc trong năm tới. Ngân hàng Dự trữ Úc đã giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5% trong 13 tháng qua để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ việc xem đầu tư khai khoáng là động lực tăng trưởng sang dựa vào dịch vụ và sản xuất.
Xuất khẩu cao hơn kết hợp với việc tuyển dụng toàn thời gian và triển vọng đầu tư tốt hơn, cho thấy sự giảm tốc tăng trưởng đã trở thành lịch sử. Tuy nhiên, yếu tố có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế là tình trạng tiêu dùng yếu ớt của các hộ gia đình do vẫn còn ngập trong nợ nần, trong khi tiền lương đang trì trệ hoặc thậm chí còn giảm. Điều đó đã phủ một đàm mây mờ lên triển vọng tiêu dùng trong tương lai, yếu tố vốn chiếm hơn một nửa GDP.
Bình luận về số lệu này, chuyên gia Paul Dales tại Capital Economics Ltd cho rằng, kết quả trên chưa phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế vì nó cần phải được xem xét trong bối cảnh GDP quý 1 chỉ tăng 0,3% so với quy trước. Theo ông, sự hồi phục cả trong tiêu dùng và đầu tư nhà ở đã không đảo ngược tất cả các điểm yếu trước đó.
Trong khi Gareth Aird thuộc Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia lại cho rằng, xét bề ngoài thì mức tăng trưởng này là khá ổn. Nhưng “tăng trưởng thu nhập hộ gia đình yếu vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu dùng. Trong khi tăng trưởng tiền lương bằng phẳng cho thấy công nhân không được chia sẻ lợi ích của tăng trưởng. Kết quả là, sự chênh lệch giữa niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp dường như vẫn tồn tại”.