Đón đầu làn sóng FDI mới
Giải ngân vốn FDI tháng Một đạt 1,48 tỷ USD TP. Hồ Chí Minh muốn “bay cùng đại bàng” Hà Nội dẫn đầu về thu hút FDI trong tháng đầu năm |
Ngoại giao tạo bước ngoặt lớn
Ông Nguyễn Văn Toàn |
Năm 2023 được nhìn nhận là năm thành công lớn của ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là ngoại giao kinh tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Tôi cho rằng việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện là một bước ngoặt rất lớn, cả về mặt quan hệ chính trị và kinh tế - xã hội. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế và chắc chắn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Thực tế trong thời gian gần đây, chúng ta đã thấy rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) Hoa Kỳ đến Việt Nam để khảo sát cơ hội đầu tư. Tất nhiên điều này không phải bây giờ mới diễn ra, mà nằm trong xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ trong vài năm gần đây và Việt Nam có những ưu, lợi thế để tận dụng được.
Việc dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam không ngừng tăng trưởng trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, khó khăn năm vừa qua là tín hiệu đáng mừng, không chỉ cho thấy các NĐT đánh giá cao môi trường đầu tư và điểm đến Việt Nam, mà còn thể hiện họ có niềm tin - một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với các NĐT vào Việt Nam. Đặc biệt sau khi Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, chuẩn bị các kế hoạch để đầu tư vào Việt Nam…
Có thể kỳ vọng vào sự lan tỏa tới các NĐT ở các khu vực khác không, thưa ông?
Tôi tin rằng, khi các NĐT Hoa Kỳ “tiến mạnh” thì các NĐT khác như từ EU chắc chắn cũng sẽ có những động thái để thúc đẩy hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Thực tế cho đến năm 2022, đầu tư từ Hoa Kỳ hay EU vào Việt Nam chưa tương xứng với các tiềm năng về thương mại cũng như quan hệ ngoại giao song phương, hay các hội nhập mà Việt Nam đã tham gia rất sâu thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ví dụ trong năm 2023, xét riêng theo các nước thành viên EU, thì đầu tư từ Đức và Thụy Điển vào Việt Nam đã tăng trưởng 3 đến 5 lần so với cùng kỳ 2022 (dù về con số giá trị tuyệt đối thì còn rất nhỏ, như tổng vốn đăng ký năm 2023 từ Đức là 366,25 triệu USD, tăng 312,8%; từ Thụy Điển là 221,71 triệu, tăng 504,7%).
Những số liệu như vậy chỉ ra, NĐT từ các nước phát triển có công nghệ cao, quản trị tốt như Hoa Kỳ hay các nước EU đang bắt đầu quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn. Từ các yếu tố như vậy, hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vốn ĐTNN vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao.
Thời cơ tốt để thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng không chỉ nằm ở con số, mà thời điểm hiện nay là một thời cơ lớn cho Việt Nam để thu hút được ĐTNN chất lượng, là cơ hội để thực hiện tốt Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, thưa ông?
Đúng vậy. Trước đây, có những thời điểm xuất hiện thời cơ để thu hút ĐTNN tốt. Ví dụ giai đoạn 2007-2008 (thời điểm Việt Nam gia nhập WTO), vốn ĐTNN đăng ký tăng vọt nhưng do bản thân Việt Nam lúc đó chưa đủ năng lực để tiếp nhận nên thực tế tỷ lệ giải ngân trên tổng vốn đăng ký rất thấp. Thực tế ấy cho thấy chúng ta có thời cơ nhưng lại chưa đủ năng lực để hấp thụ.
Hiện nay lại là một thời cơ mới. Thời cơ này không còn giống như trước đây khi chúng ta thu hút đầu tư chỉ chạy theo số lượng, mà để thu hút được các nguồn đầu tư chất lượng, đặc biệt là từ các nước phát triển. Tôi cho rằng, những tín hiệu rất tích cực trong năm 2023 sẽ là bản lề để ngay từ năm 2024, chúng ta sẽ thu hút được ĐTNN với số lượng và chất lượng tốt hơn.
Đây cũng là cơ hội lớn để thực hiện tốt Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bởi dù Nghị quyết 50 ra đời từ 2019 và chúng ta cũng đã rất chú trọng triển khai nhưng bối cảnh khó khăn những năm vừa qua (đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 và bất định gia tăng của kinh tế toàn cầu) khiến chưa có những thời cơ tốt để thực hiện mạnh mẽ. Nghị quyết 50 có hai thách thức lớn đặt ra cần đạt được: Thách thức nằm ở các mục tiêu về mặt số lượng vốn, số lượng dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam; Thách thức lớn hơn là các mục tiêu đặt ra về chất lượng (như tỷ lệ sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường…; tỷ lệ nội địa hoá; tỷ trọng lao động qua đào tạo…). Đây đều là những mục tiêu rất thách thức và thời điểm hiện nay chính là thời cơ cho chúng ta tạo một bước ngoặt để thực hiện tốt được Nghị quyết 50.
Như ông vừa nói, các thời cơ đã từng xuất hiện và vấn đề của chúng ta khi đó vấp phải là năng lực “hấp thụ”?
Đúng vậy, luôn có hai mặt của vấn đề. Thứ nhất là khi mình “mời khách” vào thì mình phải có sự chuẩn bị. Nhưng ví dụ như ngay sau khi Nghị quyết 50 ra đời thì chúng ta gặp phải đại dịch Covid. Nền kinh tế chung và doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn, lúc đó không thể có tâm trí và điều kiện để nâng cấp hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lên được nhằm đáp ứng được kỳ vọng tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thế thì rõ ràng hiện nay, song song với việc đó chúng ta phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư để có thể tiếp nhận được dòng vốn.
Trong cải thiện môi trường đầu tư có hai yếu tố mấu chốt và rất cụ thể là phải có nguồn nhân lực tốt và các doanh nghiệp trong nước phải mạnh lên. Ví dụ, với các dự án công nghệ cao vào Việt Nam, nhất là từ Hoa Kỳ hay EU thì họ không phải cứ đầu tư vào là mang theo tất cả nhân lực mà chúng ta phải có nguồn nhân lực, đáp ứng được cho họ. Đáp ứng được thì đôi bên cùng có lợi, mà lại giúp Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn hơn. Đồng thời tâm thế, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam cũng phải mạnh lên, nếu không thì không thể tham gia vào các chuỗi giá trị của họ được. Cùng với đó chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư mới có đủ năng lực để mà tiếp thu và tham gia được các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn ở những nước phát triển.
Theo ông, liệu đầu tư công có thể giúp gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như giúp hệ thống doanh nghiệp trong nước có thể bắt tay với các doanh nghiệp ĐTNN?
Khi bàn về đầu tư công, chúng ta đang chú trọng về đầu tư công trong xây dựng hạ tầng (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đô thị…). Nhưng tôi cho rằng, đầu tư công cũng nên tập trung vào cho chuyển đổi số, cho giáo dục đào tạo và không chỉ là giáo dục đào tạo trong phổ thông, đại học mà cả trong nâng cấp dạy nghề, đào tạo chuyên sâu để giúp nâng cao trình độ của người lao động, đặc biệt ở những lĩnh vực đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực rất cao như ngành công nghiệp bán dẫn. Cùng với đó, đầu tư công cũng cần làm sao hướng tới một việc hết sức quan trọng nữa là trực tiếp hoặc gián tiếp giúp nâng tầm các năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả những vấn đề như vậy sẽ là một bài toán tổng hợp phải hóa giải để cải thiện, nâng cấp tính hấp dẫn và sẵn sàng của môi trường đầu tư. Trong thời gian tới, để nắm bắt thời cơ và tạo bước ngoặt trong thu hút ĐTNN cũng như phát triển kinh tế chúng ta sẽ có rất nhiều công việc phải làm, sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong quá trình chuẩn bị và triển khai. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được và thành công và chắc chắn Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị sẽ đi vào cuộc sống một cách cụ thể và hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!