Đón Tết ở làng cổ Đường Lâm
Giải tỏa căng thẳng để những ngày chờ đón Tết thực sự là niềm vui Sân khấu rộn ràng đón Tết |
Quảng bá văn hóa truyền thống
Những ngày cuối năm, không khí Tết ở làng cổ Đường Lâm thật nhộn nhịp. Những đoàn khách trong và ngoài nước quần áo rực rỡ, hòa trong không gian sắc màu được trang hoàng mang tới cảm giác Tết rất ấm cúng.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát với chiếc ghế hình rồng được dát vàng |
Ba năm nay, Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây tổ chức chương trình “Tết làng Việt” tại làng cổ Đường Lâm, nhằm quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là các phong tục Tết Việt. Chương trình này đã nhận được sự quan tâm của nhiều du khách, những người yêu văn hóa Việt. Năm nay, “Tết làng Việt” vừa được tổ chức thu hút gần 200 vị khách quốc tế đến từ các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và khách các nước hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội cùng đông đảo doanh nghiệp lữ hành Thủ đô, đã có chuyến trải nghiệm chương trình “Tết làng Việt” 2024 tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Bên cạnh đó, làng cổ Đường Lâm cũng đón hơn 10.500 khách đến trải nghiệm "Tết làng Việt".
Không gian làng cổ Đường Lâm trong dịp "Tết làng Việt" ngập tràn trong sắc màu ngày Tết, đặc biệt những điểm nhấn chính như cổng làng, đình Mông Phụ, các ngôi nhà cổ, không gian Đoài Creative và Đoài Community... rực rỡ sắc màu của những chậu hoa Tết, cành đào, câu đối, những đồ trang trí Tết. Nhiều khách quốc tế cũng trưng diện những bộ áo dài Việt, hòa vào văn hóa truyền thống Việt Nam.
Tại chương trình, khách quốc tế cũng hào hứng với không gian trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền (ông đồ, tò he, gọt hoa thủy tiên), trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống như chọi gà, bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu… và các phong tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền như lễ giao thừa, mừng tuổi, thả cá chép... tại nhà cổ.
Chương trình cũng giới thiệu ẩm thực Tết, trưng bày mâm cỗ ngày Tết của người dân Đường Lâm (bánh chưng, gà Mía, thịt quay đòn...); trải nghiệm gói bánh chưng, gói giò... ngày Tết.
Bên cạnh đó, chương trình còn giới thiệu, trải nghiệm về nghề truyền thống và sản phẩm thủ công, bao gồm: Không gian nghề làm tương truyền thống của gia đình ông Hà Hữu Thể; xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài và không gian nghề làng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát; không gian Đoài Creative và Đoài Community của kiến trúc sư Khuất Văn Thắng. Tại khu vực cổng làng Mông Phụ diễn ra triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về đề tài làng cổ Đường Lâm và các điểm du lịch trên địa bàn thị xã.
Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết với ý nghĩa hướng về các giá trị văn hóa truyền thống, chương trình tạo sức hấp dẫn lớn đối với khách tham dự. Đặc biệt, khách quốc tế được tham gia trải nghiệm các phong tục Tết đều bày tỏ sự hứng khởi, bởi đây là dịp họ hiểu về Tết cổ truyền và văn hóa Việt Nam hơn.
Kỳ công “1.000 tạo tác rồng tiên”
Một điểm dừng chân cuốn hút không thể bỏ qua khi đến làng cổ Đường Lâm vào dịp Tết này là không gian do nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tạo dựng. Đón xuân Giáp Thìn 2024, nghệ nhân 8X này cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng. Trong đó, nổi bật là chiếc ghế hình rồng với 5 móng vững chãi, được dát vàng.
Tượng rồng do nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tạo để đón xuân Giáp Thìn |
Chia sẻ về bộ sưu tập năm nay, nghệ nhân Phát cho biết: "Cảm hứng để sáng tạo ra những tác phẩm này là từ truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên. Hình tượng rồng chỉ Lạc Long Quân, tiên chỉ Âu Cơ. Đây cũng là hình ảnh dùng trong văn học Việt Nam, thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc của nước ta".
Theo Tấn Phát, hình tượng rồng được anh thể hiện xuyên suốt bộ sưu tập lần này là rồng thời nhà Lý. “Tôi yêu thích hình tượng rồng thời nhà Lý vì nó mang lại hình ảnh rồng thuần Việt, đồng thời thể hiện được hết tính cách của người Việt Nam ta”, nghệ nhân chia sẻ.
Điểm nhấn trong bộ sưu tập 1.000 tạo tác rồng của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chính là chiếc ghế được dát 2.500 lá vàng. Chiếc ghế hình rồng độc đáo cao 1,65 mét, rộng 2 mét được chế tác từ sơn mài trên gỗ lũa, mạ vàng 24k. Toàn thân ghế được khảm vỏ cửu khổng (bào ngư), vỏ trứng… Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, từ khâu lên ý tưởng và hoàn thiện xong chế tác ghế hình rồng này mất khoảng 2 năm, có giá trị lên tới 2 tỷ đồng.
"Sản phẩm là sự lồng ghép hình tượng con rồng thời Lý, kết hợp với bộ chân 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn như chuẩn bị bay lên. Hình ảnh nàng tiên được sắp đặt rất nhiều trên khoảng không phía trên rồng thể hiện sự hòa hợp giữa rồng và tiên" - nghệ nhân này cho hay.
Hiện không gian nghệ thuật của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát hàng ngày thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm. Nhiều đài truyền hình cũng đến không gian này để sản xuất các chương trình truyền hình trong dịp Tết Giáp Thìn sắp đến.