Sân khấu rộn ràng đón Tết
Cú hích cho sân khấu kịch nói Nhạc kịch “thuần Việt”: Hướng đi mới của sân khấu đương đại |
Tại Thủ đô, Nhà hát Chèo Hà Nội vừa ra mắt vở diễn “Vòng đời duyên nợ” do NSND Trịnh Thuý Mùi dàn dựng. Đây là món quà xuân mà Nhà hát gửi tới khán giả nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. “Vòng đời duyên nợ” với kịch bản của tác giả Nguyễn Đức Minh, kể về mối tình ngang trái của chàng Ngô Đức và nàng Diệu Hương. Khi cả hai học hành đỗ đạt, bén duyên nhau và nguyện kết tóc se tơ đến răng long đầu bạc thì trong ngày vinh quy bái tổ, câu chuyện về gia đình Ngô Đức được hé lộ. Cha của Diệu Hương chính là kẻ ác, từng hãm hiếp mẹ của Ngô Đức, đẩy cha của chàng đến con đường tù tội. Một bên là tình sâu, bên kia là mối thâm thù, “Vòng đời duyên nợ” thực sự là một câu chuyện ngang trái cho mối tình đầy trắc trở Ngô Đức - Diệu Hương.
“Vòng đời duyên nợ” là vở chèo dân gian với đề tài tình yêu, cùng một câu chuyện tình trắc trở của cả hai thế hệ nên có nhiều nút thắt, kịch tính. Những mảng miếng, trò diễn được NSND Thuý Mùi đưa vào vở diễn rất khéo léo, đan xen giữa tiếng cười mỉa mai lũ quan tham với giọt nước mắt thương cảm số phận người yếu thế trong xã hội xưa, đặc biệt là sự oan trái của mối tình Ngô Đức - Diệu Hương. Bên cạnh đó, NSND Thuý Mùi rất tỉ mỉ và trau chuốt từ trang phục, đạo cụ, thiết kế sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, hát và cả phần múa minh họa.
Rất thuận lợi cho đạo diễn - NSND Thuý Mùi vì chị đã có một ê-kíp cực kỳ “tinh nhuệ”. Dàn diễn viên đều là những gương mặt sáng giá hàng đầu của Nhà hát hiện nay như: NSƯT Quốc Phòng, NSƯT Hồng Nam, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Ngọc Phú, NSƯT Phương Mây, nghệ sĩ Quang Biên, Xuân Huynh, Thế Hoan. Đặc biệt Thuý Nga, Thanh Huyền, Xuân Trường là các gương mặt mới của nhà hát đã góp phần làm nên sự tươi trẻ đầy sức sống của vở diễn.
Cảnh trong kịch ca nhạc “Thế giới đồ chơi và câu chuyện cậu bé Rồng” |
Còn tại TP.HCM, năm nay hứa hẹn một năm xôm tụ trên sân khấu với những dòng kịch đa dạng. Đáng chú ý, kịch Tết dành cho thiếu nhi cũng được chú trọng.
Ở mùa kịch Tết năm nay, ngoại trừ vở “Chuyện thần tiên” của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã có những suất diễn sớm tại Nhà hát Thanh Niên phục vụ khán giả từ ngày 7/1 vừa qua, còn lại đa số các sân khấu đều chọn ngày mùng 1 Tết là ngày để mở màn cho các suất diễn với nhiều vở diễn phong phú và hấp dẫn. Trong đó, sân khấu kịch Idecaf cho ra mắt 4 vở diễn mới gồm “Tấm Cám đại chiến”, “Chuyện cái tráp vàng”, “Ngôi nhà không có đàn ông” và “Hòn đảo mộng mơ”. Trong số này, theo đạo diễn Huỳnh Lâm, “Tấm Cám đại chiến” là vở diễn trọng tâm của sân khấu kịch Idecaf trong dịp Tết sắp tới. Vở diễn có sự tham gia của NSƯT Mỹ Duyên, các nghệ sĩ Bạch Long, Tuyền Mập, Hòa Hiệp, cùng dàn diễn viên trẻ Đông Hải, Tâm Anh, Minh Dũng... mở màn hai suất vào lúc 16 giờ và 20 giờ ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết).
Tương tự, sân khấu Thế giới Trẻ đang chuẩn bị các vở diễn Tết như “Mỹ vị nam vương”, “Ở đây ai tỉnh”, “Bóng đàn ông”, “Dream boy”, “Tâm ma”... Trong đó, “Mỹ vị nam vương” là vở kịch mới, thuộc thể loại hài hước thông qua những câu chuyện của các nam vương. Các suất diễn được linh động từ 1-2 suất/ngày, diễn đến hết ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết).
Dịp này, sân khấu Trương Hùng Minh của NSƯT Minh Nhí ra mắt liên tiếp 3 vở diễn mới. Vở “Lẹ lẹ trễ phà” với sự tham gia diễn xuất của Quang Minh, Minh Nhí, Việt Hương, Tim... nói về thông điệp gia đình, sự đoàn viên dịp cuối năm. Vở “Thiên thần kinh” và “Truy lùng thái tử”... được kỳ vọng sẽ giúp khán giả có những phút giây giải trí vui vẻ. Sân khấu diễn xuyên suốt đến ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết) với các khung giờ như 13 giờ, 16 giờ và 20 giờ.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh tiếp tục suất chiếu sớm (sneak show) dành cho vở “Lồng sắt,” bắt đầu từ ngày 27/1.
Trong khi đó, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ cũng đã lên kế hoạch đem tới khán giả vở kịch ca nhạc-giáo dục phục vụ thiếu nhi mang tên “Thế giới đồ chơi và câu chuyện Cậu bé Rồng”. Kịch ca nhạc “Thế giới đồ chơi và câu chuyện cậu bé Rồng” mở ra một không gian gần gũi, nhiều sắc màu khi cảm tác những nhân vật hoạt hình được trẻ nhỏ yêu mến. Vở kịch truyền tải thông điệp ý nghĩa cho các bé phải biết quý trọng đồ chơi, công sức của cha mẹ và sống yêu thương và giúp đỡ người khác, không được kiêu ngạo.
NSND Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ chia sẻ: “Tết là khoảng thời gian gia đình đoàn tụ, mong muốn có những vở kịch ý nghĩa. Vì thế, sân khấu kịch luôn chú trọng phát triển nội dung, lựa chọn những thông điệp tốt, mang tính giáo dục cho trẻ”.
Cùng với định hướng phục vụ khán giả nhí trong mùa Tết Giáp Thìn 2024, sân khấu Ngôi Sao Mới “trình làng” những vở kịch thiếu nhi như “Khu rừng bí ẩn”, “Ra đảo lấy vàng”, “Male hắc ám”, “Giải cứu cậu chủ”, “Bắc kim thang”...
Có thể thấy, so với năm trước, mùa kịch Tết 2024 có phần sôi nổi hơn khi các đơn vị đã chủ động làm mới, đầu tư số lượng kịch mục vượt trội cùng nội dung phong phú. Các vở diễn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn có sự đa dạng hơn ở khâu đề tài. Trong đó, nhiều thể loại được các sân khấu lựa chọn diễn như: hài kịch, kịch tâm lý và kịch thiếu nhi. Để thu hút khán giả đến sân khấu, nhiều bên đã không ngại đầu tư và có nhiều chương trình, trò chơi tương tác với khán giả thông qua các buổi xem kịch.