Đơn vị sự nghiệp công lập khi mua sắm đầu tư cần áp dụng Luật Đấu thầu
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan. Đồng thời, chủ trì cùng với cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp. |
Về nội dung còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị rà soát, đánh giá kỹ tác động về hoàn thiện phạm vi đối tượng, điều chỉnh giải trình, hoàn thiện phù hợp thuyết phục phạm vi vốn Nhà nước vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; dự án sử dụng vốn Nhà nước; việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước.
Đề nghị quy định các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn doanh nghiệp nhà nước trên 50% vốn điều lệ nên áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu nhằm bao quát các công ty con cháu có vốn chi phối của doanh nghiệp Nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập khi mua sắm đầu tư cần áp dụng Luật Đấu thầu cho phù hợp thực tế và bản chất của đơn vị sự nghiệp công lập, đồng bộ với các luật khác. Tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị căn cứ pháp lý thực tiễn, ưu nhược điểm tính phù hợp, đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến đang có ý kiến khác nhau, quan điểm lựa chọn để xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị quyết chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.
Rà soát quy định về áp dụng Luật thống nhất với các điều ước quốc tế, phân định rõ nội dung được áp dụng trong Luật Đấu thầu, nội dung áp luật chuyên ngành theo nguyên tắc là Luật Đấu thầu quy định trình tự, thủ tục, còn các nội dung đặc thù, cụ thể, quy định ở luật chuyên ngành. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các bất cập ở các luật khác bằng cách sửa đổi trực tiếp trong Luật Đấu thầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc kiến nghị sửa đổi các luật có liên quan.
Hoàn thiện quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà thầu, nhà đầu tư. Việc hoàn thiện phải bám sát nguyên tắc, nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, không tạo kẽ hở gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Hoàn thiện quy định về nội dung liên quan đến đấu thầu qua mạng phù hợp với điều kiện của Việt Nam và lộ trình chuyển đổi số giao Chính phủ quy định chỉ nên là các nội dung mới phải thuyết minh cụ thể và thuyết phục.
Hoàn thiện các quy định về hợp đồng điều chỉnh hợp đồng các hình thức hợp đồng, hợp đồng trọn gói; hoàn thiện quy định về mua thuốc, vật tư, hóa chất, y tế, mua sắm tập trung; thẩm quyền ban hành danh mục thiết bị y tế hóa chất, vật tư, y chế, đấu thầu tập trung quy định cụ thể hơn về đàm phán giá.
Hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, ưu đãi đối với nhà đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh; ưu tiên ưu đãi trong việc mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng hóa sản xuất trong nước, sản phẩm thân thiện môi trường; ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp có sử dụng lao động…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ các ý kiến này; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị hồ sơ xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cơ quan tập hợp đầy đủ ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Trước đó, báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu.
Về nội dung liên quan đến vấn đề vốn nhà nước từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công là vốn đầu tư công, do đó phải thực hiện đấu thầu và được thực hiện ổn định từ trước đến nay. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất không quy định tách riêng phần thu từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về đối tượng điều chỉnh đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời đề nghị cân nhắc để tránh làm hạn chế tính chủ động của các doanh nghiệp, trường hợp cần thiết, chỉ quy định các công ty con của các doanh nghiệp nhà nước có 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước…
Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại điểm k khoản 1 của điều 23 của dự thảo Luật.
Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị phối hợp với ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng: quy định rõ trường hợp đặc biệt đối với Gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu mua sắm vắc-xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…
Về vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với quy định tại dự thảo luật vì theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật, dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Về đấu thầu qua mạng, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, đây là những hình thức ứng dụng công nghệ mua sắm mới, có những đặc thù khác biệt với quy trình thực hiện các hình thức lựa chọn nhà thầu. Để bảo đảm tính linh hoạt, cũng như có cơ sở pháp lý để Chính phủ hướng dẫn cụ thể, phù hợp với thực tiễn, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề xuất bổ sung nguyên tắc áp dụng trong trường hợp này và giao Chính phủ quy định chi tiết về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của hệ thống mạng, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu”.
Sau khi cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quy định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành y.
Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà dự án có sử dụng đất quy định tại Điều 47, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, cho biết đây là nội dung liên quan đến Luật Đất đai vẫn đang còn rất phức tạp.