Đồng Nai: Hướng tới mục tiêu 25% nông sản đạt chứng nhận GAP
Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai hướng đến tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được chứng nhận sản phẩm đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đạt 15% tương đương 219.000 tấn sản phẩm được chứng nhận GAP (tương ứng với 20.575 ha các loại cây trồng); tỷ lệ giá trị sản phẩm vật nuôi được chứng nhận GAHP đạt 30% tương đương với 164.000 tấn thịt heo, 62.000 tấn thịt gà; tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản được chứng nhận GAP đạt 35% tương đương 18.000- 20.000 tấn thủy sản.
Bưởi Tân Triều là một trong những mặt hàng nông sản có chứng nhận GAP của tỉnh Đồng Nai |
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2.770 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng 717 ha so năm 2022 (trong đó 12,2 ha đạt chứng nhận hữu cơ), bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 ha cây trồng.
Hiện nay toàn tỉnh có 170 mã số vùng trồng và 86 nhà đóng gói xuất khẩu. Các cây trồng chủ lực có diện tích được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường Trung Quốc có 133 vùng với 18 vùng trồng xoài; có 22 vùng trồng chôm chôm; 31 vùng trồng chuối; 13 vùng trồng mít, 9 vùng trồng thanh long; 40 vùng trồng sầu riêng. Các cây trồng chủ lực có diện tích xuất khẩu thị trường Hoa Kỳ, EU, Úc, New Zealand có 37 vùng, trong đó thị trường EU có 2 vùng trồng chanh; thị trường Hoa Kỳ có 7 vùng trồng chôm chôm và 13 vùng trồng xoài; thị trường Úc, New Zealand có 15 vùng trồng xoài.
Để thực hiện được các mục tiêu, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Trong đó việc ký kết tiêu thụ sản phẩm là điều kiện tiên quyết để hỗ trợ chứng nhận, tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh…
Từ thực trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận GAP trên địa bàn tỉnh, tiến đến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu thụ.
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, xem xét chỉ hỗ trợ chứng nhận GAP khi sản phẩm tham có tham gia chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ và thúc đẩy công tác kiểm tra giám sát sau chứng nhận. Tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ tại địa phương đúng tiến độ, đảm bảo các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo; góp phần nâng cao giá trị, vị thế của nông sản địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người nông dân.