Thảo luận Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Làm rõ các quy định về “cho vay nội bộ”
Tín dụng nội bộ không phải hoạt động ngân hàng Cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Đề nghị làm rõ các quy định về hoạt động cho vay nội bộ |
Báo cáo giải trình trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng hoạt động tín dụng nội bộ tiềm ẩn rủi ro khi trình độ quản lý tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tương thích. Do đó cần thiết bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan, trong đó có NHNN Việt Nam nghiên cứu, quy định cụ thể hoạt động tín dụng nội bộ gồm hoạt động huy động vốn từ thành viên và hoạt động cho vay nội bộ.
Theo đó, hoạt động huy động vốn từ thành viên quy định tại khoản 1 Điều 80, hoạt động cho vay nội bộ quy định tại Điều 84; đồng thời, khẳng định hoạt động cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật về các TCTD. Bổ sung tại khoản 2 Điều 84 quy định về điều kiện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện hoạt động cho vay nội bộ. Theo đó, một trong những điều kiện để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho vay nội bộ là phải bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ. Tại khoản 3 Điều 84 giao Chính phủ quy định chi tiết mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, xử lý rủi ro từ hoạt động cho vay nội bộ và khoản 2 Điều này về điều kiện đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện hoạt động cho vay nội bộ.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc cho phép thực hiện hoạt động cho vay nội bộ tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ điều kiện thì cũng cần tính toán thêm về các giải pháp để phát huy vai trò của Ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân đối với việc tạo các điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn |
Giải trình ý kiến đề nghị xem xét tăng thời hạn cho vay tối đa hoặc là không quy định cụ thể tại dự thảo Luật mà để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chủ động tổ chức thực hiện cho vay đáp ứng được nhu cầu thực tế của đối tượng được vay trong hoạt động cho vay nội bộ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khoản 1 Điều 84 quy định cho vay nội bộ là việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên chính thức vay trong thời hạn không quá 12 tháng. Quy định này nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận, phải bảo toàn vốn, có hoàn trả và bù đắp đủ các khoản chi phí của hoạt động cho vay nội bộ. Hoạt động cho vay nội bộ trong thời hạn không quá 12 tháng nhằm hỗ trợ cho thành viên trong ngắn hạn; đối với các khoản vay trung và dài hạn thì thành viên phải tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ khác từ Quỹ tín dụng nhân dân, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và các chính sách tiếp cận vốn khác theo quy định tại Điều 23.
Tại điểm b khoản 2 Điều 84 quy định, nguyên tắc không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ nhằm khẳng định hoạt động cho vay nội bộ khác với hoạt động ngân hàng. Song, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa cho rằng, theo quy định tại Điều 84 thì việc đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ rất khó. “Lấy nguồn vốn ở đâu để cho vay khi 70% là hợp tác xã nông nghiệp, vốn điều lệ rất ít, nguồn vốn hợp tác xã rất khó khăn. Nên quy định rõ nguồn vốn để thực hiện cho vay nội bộ như: có thể sử dụng một phần vốn điều lệ, có thể sử dụng một phần vốn đóng góp của thành viên hợp tác xã...”, đại biểu Hải đề nghị.
Về các nội dung khác liên quan đến vấn đề thể chế hóa các chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20, đại biểu Mai Văn Hải cho biết, lần này đã được tiếp thu rất nhiều và đặc biệt đã có thiết kế quy định thêm một điều dành cho loại hình hợp tác xã nông nghiệp. Đối với quỹ phát triển hợp tác xã, đại biểu Hải và nhiều đại biểu khác đề nghị cần quy định rõ hơn đối với quỹ phát triển hợp tác xã ở trung ương nên giao cho Liên minh hợp tác xã Việt Nam quản lý; còn đối với quỹ phát triển hợp tác xã ở địa phương thì giao cho Liên minh hợp tác xã ở các tỉnh quản lý.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trong dự thảo quy định về địa vị pháp lý của Tổ hợp tác chưa rõ, vì vậy nên quy định bắt buộc Tổ hợp tác phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh.
Về việc thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, đại biểu cho rằng, đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng, giúp doanh nghiệp trở thành một công cụ của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trong việc thực hiện liên kết, tiếp cận thị trường, cũng như tiếp cận các chính sách trong hoạt động. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã vẫn còn chung chung, chưa rõ về tư cách pháp nhân.
Ngoài ra, theo đại biểu, Điều 18 dự thảo luật quy định tiêu chí thụ hưởng chính sách của Nhà nước chưa thực sự mở, chưa đột phá, chưa tạo động lực cho sự phát triển khu vực tập thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần có những chính sách mở để thu hút những nhân tố mới, nguồn lực mới từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường luôn luôn biến động.