Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Việt Nam đón hơn 1,5 triệu khách quốc tế trong tháng đầu năm [Infographic] Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2024 Du lịch nội địa vùng biển đảo hút khách dịp Tết Nguyên đán |
Động lực và những thách thức
Bốn động lực để giúp tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023, theo đại diện của Cục Du lịch Quốc gia, đó là: Việc Chính phủ kéo dài thời gian miễn thị thực Visa với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023, được xem là một trong những động lực góp phần phát triển thị trường khách quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam; Chính sách đối ngoại song phương và đa phương của Việt Nam với khu vực và thế giới hết sức hiệu quả; Chủ trương chấn hưng văn hóa với các di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, hấp dẫn khách quốc tế.
Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đã đóng cửa hầu hết các đường biên giới trong hai năm 2020 và 2021 trước khi mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài. Chính sách ứng phó linh hoạt của Việt Nam đã đem lại cho du khách quốc tế những trải nghiệm tích cực hơn sau giai đoạn dài bị “bó gối”. Ngoài thủ tục nhập cảnh tiện lợi, môi trường an toàn và nhiều điểm đến tham quan, Việt Nam cũng tăng cường các ưu đãi để dần bù đắp những thiệt hại trong đại dịch. Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần các phân khúc khách du lịch.
Tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Condé Nast Traveller công bố loạt danh sách những điểm phải đến trên khắp thế giới vào năm 2024, trong đó Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt top châu Á và đứng thứ hai trong danh sách 11 nơi tốt nhất châu Á du khách nên ghé thăm nếu dự định du lịch vào năm 2024. |
Dữ liệu từ Google Destination Insights đã đưa Việt Nam lên đầu danh sách các điểm đến quốc tế trên toàn thế giới có nhu cầu về lưu trú gia tăng trong năm 2023. Ước tính, hàng trăm dự án khách sạn đang được xây dựng ở Việt Nam. Các nhà quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy thị trường này tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mới đây, tại hội nghị tổng kết của ngành này, người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới hạn chế của ngành là do một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; Công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn; Xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; Việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch Covid-19; Các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỷ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm... đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.
Để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn nữa, Cục Du lịch quốc gia cho hay, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, đặc biệt là vào các thị trường mục tiêu. Đối với việc phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, Chính phủ đã có đề án phát triển kinh tế đêm và ngành Du lịch cũng đã ban hành Đề án phát triển các sản phẩm du lịch đêm, trong đó lựa chọn 12 địa phương để quy hoạch, phát triển các khu, phân khu, chức năng để phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Đề án cũng tạo khung pháp lý cho các sản phẩm du lịch đêm phát triển khi cho phép các dịch vụ được hoạt động. Ngoài ra, hiện du lịch golf, du lịch MICE cũng đang là những loại hình du lịch mà Việt Nam có nhiều thế mạnh và có thể đầu tư, phát triển trong thời gian tới để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch quốc tế.
Kỳ vọng phục hồi hoàn toàn trong năm 2024
Mới đây, tờ The Business Times (Singapore) đã đăng bài viết của tác giả Michael Arnold đánh giá, lĩnh vực du lịch của Việt Nam đang sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới, với doanh thu du lịch quốc tế dự kiến sẽ vượt mức trước đại dịch vào năm 2024.
The Business Times dẫn báo cáo mới nhất của Fitch Solution cho biết, lĩnh vực du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD vào năm 2019 - năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Con số này dự kiến sẽ tăng lên, đạt khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam.
Du lịch tàu biển góp phần không nhỏ trong việc đưa khách quốc tế đến Việt Nam |
Để đạt được mục tiêu quay về thời kỳ đỉnh cao, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh truyền thông quốc tế về những đổi mới trong chính sách miễn thị thực, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch với các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Hiện nay, nhiều website của đại sứ quán Việt Nam tại các nước vẫn chưa thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách mới. Trong khi đó, đây lại là nguồn cung cấp thông tin đầu tiên mà khách nước ngoài tìm kiếm nếu muốn đến Việt Nam du lịch.
Việt Nam cũng cần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của từng thị trường và ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch xanh. Về quản lý điểm đến, cần làm tốt việc liên kết các bên liên quan như cơ quan quản lý, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, du khách cũng như liên kết vùng để kết nối tour liền mạch, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Cần xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia, quốc tế. Tiếp tục ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.
Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu phục hồi về mức trước dịch hoặc cao hơn trong năm 2024, Việt Nam cần định vị thương hiệu của du lịch rõ ràng hơn nữa đối với thị trường khách quốc tế. Ngoài tập trung vào các thị trường khách truyền thống như Trung Quốc, Việt Nam cần hướng tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa như Bắc Âu để tăng lượng khách ghé thăm. Khách Bắc Âu thường đi nghỉ dài, lên tới 30 ngày và chi tiêu vì thế cũng nhiều hơn. Khách nhà giàu Ấn Độ, Trung Đông, Australia, New Zealand cũng là một thị trường tiềm năng. Ngoài việc đơn giản hóa thủ tục visa, Việt Nam cần mở thêm các đường bay thẳng đến các nước này và cung cấp các sản phẩm du lịch họ yêu thích để khách không chỉ đến nhiều mà còn tăng tỷ lệ quay lại.
Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng: Chúng ta cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại. Hãy để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng… mỗi vùng miền, địa phương đều có những bản sắc cuốn hút riêng. Theo đó, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất, đưa du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam, đến tất cả các sân bay quốc tế trong nước.
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho rằng: Thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm phải đến của du khách quốc tế, trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo. Đã đến lúc cần kiến tạo những điểm đến vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu của ngành du lịch.