Du lịch Việt tăng tốc đón khách
[Infographic] Khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 Du lịch gắn với thiên nhiên hút khách dịp hè Tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam tại châu Âu |
Những con số thống kê về du lịch gần đây có thể khiến nhiều người lạc quan. Cụ thể, riêng trong tháng 6/2024, lượng khách quốc tế là hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8,8 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,8%; đường bộ chiếm 14,3% và đường biển chiếm 1,9%.
Có được những số liệu tích cực trên, là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được các địa phương đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước, quốc tế.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) vẫn luôn tích cực quảng bá, xúc tiến để tiếp tục thu hút khách quốc tế. Từ ngày 24/6 - 2/7, Cục tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Paris (Pháp), Milan (Italy) và Frankfurt (Đức). Châu Âu là thị trường khách trọng điểm của du lịch nước ta, du khách thường lựa chọn những kỳ nghỉ dài ngày và chi tiêu cao. Năm 2023, Việt Nam đón trên 1,4 triệu lượt khách châu Âu, tăng 187% so với năm 2022. Năm tháng đầu của năm 2024, đã có trên 975.000 lượt khách châu Âu đến Việt Nam, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, từ ngày 29/6 đến ngày 3/7, Bộ VHTTDL tổ chức Lễ hội xúc tiến du lịch - văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2024. Lễ hội giới thiệu hình ảnh đất nước và con người, xúc tiến thương hiệu du lịch Việt Nam, quảng bá, điểm đến, dịch vụ, tiềm năng du lịch nước ta đến người dân Hàn Quốc thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch.
Khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông |
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, Hàn Quốc luôn là thị trường mục tiêu quan trọng hàng đầu của du lịch nước ta. Khách Hàn Quốc sang Việt Nam tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2014-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân 38%/năm. Trong năm 2023, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu lượt khách. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường nguồn khách hàng đầu của Hàn Quốc trong khu vực Đông Nam Á với khoảng 420.000 lượt khách đến.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng có nhiều cố gắng khi tăng cường làm mới các sản phẩm du lịch đồng thời có nhiều chính sách thu hút du khách. Trong đó, đáng chú ý là Hà Nội đã đón trên 14 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế tăng 52,6% (gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng. Thanh Hóa đã đón gần 9,8 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 19.848,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, Khánh Hòa đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ...
Tuy nhiên, giới chuyên gia du lịch cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến du lịch nhiều hơn nữa, đưa ra những sản phẩm du lịch mới nhiều hơn để thu hút và đáp ứng nhu cầu du khách, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội. Lấy ví dụ như Thủ đô Hà Nội, năm 2024, thành phố phấn đấu đón trên 27 triệu lượt khách, trong đó có trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 21,5 triệu lượt khách nội địa. Dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt trên 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2023… Muốn vậy, Hà Nội cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch để du khách chi tiêu, mua sắm nhiều hơn. Việc mới đây ngành du lịch Hà Nội khởi động mô hình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội” năm 2024 là một nỗ lực đáng ghi nhận. Những tháng còn lại của năm 2024, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung tổ chức các chương trình, sự kiện như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024; chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội; chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội; Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024...
Hay như tại Quảng Bình, từ ngày 6 - 14/7 sẽ diễn ra Tuần Du lịch Quảng Bình năm 2024 với nhiều hoạt động du lịch, văn hóa và nghệ thuật hấp dẫn. Đây là dịp để tỉnh quảng bá hình ảnh du lịch "Quảng Bình - Điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt" đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Bình tổ chức chuỗi sự kiện quy mô lớn với nhiều hoạt động đặc sắc về du lịch, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật, nhằm xây dựng sản phẩm hấp dẫn, khác biệt; để Quảng Bình đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa các vùng, miền của địa phương với cả nước.
Mỗi tỉnh thành đều cố gắng, sẽ tạo nên bức tranh chung của du lịch 6 tháng cuối năm 2024. Và chỉ có cố gắng, thì du khách mới cảm thấy hài lòng, mới sẵn sàng chi tiêu, và sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè, người thân, thậm chí quay trở lại. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cần cải tiến cách thức, hướng tới các phân khúc khách du lịch cao cấp. Họ là những đối tượng cần được “chăm sóc” đặc biệt.
Du lịch Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế. Đồng thời, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, một số chuyên gia du lịch cho rằng, chúng ta cần khắc phục nhanh chóng một số vấn đề còn tồn tại như: thiếu nhạc trưởng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều nơi vẫn "mạnh ai nấy làm", quản lý điểm đến chưa thật sự hiệu quả… Ngoài ra, bên cạnh con số, ngành du lịch cần quan tâm tới chất lượng khách. Nếu khách đến từ các thị trường giàu có, chi tiêu nhiều, ở lâu sẽ là điều tốt. Ngược lại, nếu phần lớn khách đến qua các tour giá rẻ, 0 đồng và không mua sắm thì số lượng khách đến nhiều cũng không đạt hiệu quả như mong muốn.