Dư nợ tín dụng xanh mỗi năm tăng bình quân 22%
Ngày 17/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với sự hỗ trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tổ chức “Khóa đào tạo về xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng”.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngành Ngân hàng là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế và luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Qua tổng kết, đánh giá trong giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 22%/năm. Tính đến 31/12/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 600.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Trong những năm qua, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm.
Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ tháng 6/2023 - là yêu cầu bắt buộc các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Thông tư quy định rõ để quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, tổ chức tín dụng cần xây dựng quy trình độc lập hoặc lồng ghép trong quy trình cấp tín dụng hiện hành nhưng vẫn đảm bảo phân định trách nhiệm với khâu quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay.
Tại buổi tập huấn, chuyên gia IFC chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt về xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội và lồng ghép quy trình quản lý rủi ro môi trường xã hội trong quy trình quản lý rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại trong nước cũng như ở các thị trường tương tự Việt Nam.
Tiêu chuẩn của IFC và các tổ chức tài chính đa phương khác đối với hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội của một định chế tài chính ngân hàng cũng được giới thiệu tại buổi tập huấn – đây là là một tập hợp các chính sách, thủ tục, công cụ và năng lực nội bộ cần thiết để tổ chức tín dụng xác định và quản lý mức độ rủi ro đối với các rủi ro môi trường xã hội của khách hàng.
Trong những năm gần đây, các tổ chức tài chính - đặc biệt là các tổ chức đang hoạt động ở cấp độ quốc tế hoặc đã tự định vị là “bền vững” hoặc “xanh” - đã phát triển hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến môi trường và xã hội (ESMS) và các chính sách – thủ tục liên quan vì họ nhận thấy tầm quan trọng ngày một lớn của việc quản lý rủi ro môi trường xã hội.
Từ năm 2015, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức IFC, NHNN đã ban hành nhiều văn bản định hướng hoạt động ngân hàng vào lĩnh vực xanh, quản lý dòng vốn vào những dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường.
Thông qua việc Ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Ban hành Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với 15 ngành kinh tế làm tài liệu tham khảo hữu ích cho các TCTD phục vụ công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng đối với khách hàng.
Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ của IFC, NHNN đã tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về tài chính xanh như Mạng lưới tài chính ngân hàng bền vững để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về các chính sách phát triển bền vững trong hoạt động ngân hàng.
Theo Ban tổ chức, khoá đào tạo này đã diễn ra ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu thông lệ tốt trong nước và quốc tế về xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội của các tổ chức tín dụng. Các khóa đào tạo góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Quyết định 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. |