Dự thảo Luật nhà ở sửa đổi: Vẫn còn nhiều điểm tù mù
Ảnh minh họa |
Thảo luận về Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, nhiều đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo và đồng tình với mục tiêu phát triển NƠXH là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở mà nhiều nước trên thế giới đã xác định đây là trách nhiệm chính của Nhà nước.
Việc phát triển NƠXH phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng nhưng Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển NƠXH nhằm đáp ứng mục tiêu bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân đã được Hiến pháp quy định.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất hợp lý. Cụ thể như chưa có sự thống nhất giữa chính sách hỗ trợ NƠXH (Điều 63) với hình thức thực hiện chính sách NƠXH (Điều 50). Nếu đọc Điều 63 sẽ thấy có 4 chính sách là Nhà nước hỗ trợ một phần vốn; Nhà nước cho vay vốn và tạo nguồn vốn để cho vay thực hiện chính sách NƠXH; Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho NƠXH và Nhà nước thực hiện chính sách giao đất ở được miễn tiền sử dụng đất.
"Đây là những chính sách rất hay nhưng nếu đọc Điều 50 về hình thức thực hiện thì chỉ có 3 hình thức là hỗ trợ cho thuê, cho thuê mua hoặc bán NƠXH; hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia cho 2 đối tượng người có công và hộ cận nghèo ở nông thôn và hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ NSNN thông qua NHCSXH hoặc từ quỹ", ông Hùng nói.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) thì cho rằng, tinh thần chung của Quốc hội là làm luật để người dân thực hiện, tạo thuận lợi nhất cho dân và nhận phần khó về cơ quan Nhà nước. Hiện nay nếu quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu bắt buộc người dân phải đến đăng ký tại cơ quan Nhà nước rồi tính từ đó mới là quyền sở hữu là không hợp lý. “Phải chăng chúng ta không quản lý được thì lại ra chế định này để làm khó người dân" ông Hà nói.
Về NƠXH, ông Hà đồng tình cao với việc nhà nước cần có chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho toàn dân làm NƠXH. “Tất cả các thành phần kinh tế khác nhau, nếu tham gia vào làm NƠXH đều phải được hưởng chính sách ưu đãi chứ không chỉ mỗi DN. Có như vậy mới bảo đảm tinh thần Hiến pháp là mọi thành phần đều bình đẳng trước pháp luật và hưởng các chính sách”, ông Hà đề nghị.
Đại biểu Đỗ Văn Đương lại cho rằng, Luật này đúng là có nhiều điểm sáng nhưng nó còn phảng phất nhiều điểm “hơi bị tù mù”. Điểm tù mù thứ nhất chính là quỹ phát triển NƠXH. Theo ông, quỹ này nên để cho NHCSXH mà địa phương nào cũng có làm với quy trình cho vay chặt chẽ để người dân tiếp cận được.
“Dính vào quỹ này phức tạp lắm. Lơ mơ lại trở thành quỹ tín dụng đen, rồi sử dụng vào việc khác, cố ý làm trái, rồi tham ô. Để cho NHCSXH làm việc này sẽ bớt chi phí cho bộ máy tổ chức. Dưới góc độ tư pháp, chúng tôi thấy chắc chắn sẽ xảy ra như vậy nên ngăn ngừa trước đi để NHCSXH làm”, ông Đương nói.
Điểm tù mù thứ 2 liên quan đến Điều 100 quy định sở hữu chung, sở hữu riêng chỗ để xe tại chung cư. Theo Dự thảo Luật, chỗ để xe được chia thành 2 loại, nếu là chỗ để xe 2 bánh thì thuộc sở hữu chung, nếu là chỗ để xe ô tô thì do chủ đầu tư quyết định sẽ thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư hoặc thuộc sở hữu chung.
Ông Đương cho rằng, quy định như vậy là không đúng. Bởi vì có gia đình 10 xe máy có nghĩa là 20 bánh nhưng có gia đình chỉ có 1 ô tô, chỉ có 4 bánh. Đưa ra quy định dựa vào diện tích sử dụng như thế là rất “lỗ mỗ”.
Đặc biệt là để tối đa hóa lợi nhuận nên hiện các chủ đầu tư sẽ cố gắng xây cho hết đất. Nhưng điều này rất nguy hiểm bởi nếu không có các công trình chung, công trình công cộng, xe ô tô sẽ tràn ra đường gây ách tắc giao thông, gây khó khăn cho chính những người trong căn hộ đó... “Từ điểm này, tôi đề nghị Hội nghị thống nhất đã là nơi để xe thì phải là sử dụng chung của các căn hộ chứ không có chuyện nơi để xe 2 bánh thì sử dụng chung, còn ô tô sử dụng riêng. Lỗ mỗ như vậy là không được”, ông Đương đề xuất.
Dương Công Chiến