Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Chỉnh lý điều kiện về hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo đó, dự thảo luật mới nhất nêu rõ: người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương, trừ một trong các trường hợp sau:
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ Luật Lao động; Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; Người lao động hưởng lương hưu; Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. |
Như vậy, so với đề xuất cũ, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất đã bỏ quy định gây tranh cãi về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động.
Vậy, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như thế nào là đúng quy định theo luật? Cụ thể, theo luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà không cần lý do chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước sau đây (trừ 01 số trường hợp không cần báo trước theo luật định):
- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp cần bảo đảm được mục đích của chính sách |
Bên cạnh đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Được biết, dự thảo luật trước đó với quy định về đơn phương chấm dứt HĐLĐ không được hưởng đã gây tranh cãi lớn trong dư luận cũng bởi quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được công nhận tại Luật Lao động năm 2019 đã nêu cụ thể ở trên. Rõ ràng, nếu cơ quan soạn thảo không có động thái sửa đổi sẽ gây mâu thuẫn với tinh thần của Luật Lao động hiện hành mà còn gây tác động xấu tới quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, dự thảo mới nhất này vẫn chưa làm rõ về một đề xuất khác cũng gây tranh luận không kém là không thể nhận trợ cấp thất nghiệp nếu bị sa thải theo pháp luật về lao động.
Theo nhiều chuyên gia, đây là điều thiệt thòi cho người lao động, bởi hàng tháng họ đều phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, mà "nguyên tắc cơ bản là có đóng có hưởng". Rõ ràng, cần cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp để quản lý, kiểm soát hiệu quả trong trường hợp xác định trường hợp người lao động bị sa thải dẫn đến không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, điều này cần thực hiện với quy trình khách quan. Cơ quan quản lý cần tìm hiểu về quyết định đơn phương từ phía người sử dụng lao động nếu sa thải xuất phát từ một động cơ, mục đích nào đó, đặc biệt là trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa người lao động và doanh nghiệp.
Trước đó, cơ quan công đoàn cũng không đồng ý với đề xuất này, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam người lao động bị sa thải được xác định là chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.
Hơn nữa, người bị sa thải thường khó tiếp cận việc làm mới, do đơn vị sử dụng lao động sẽ căn cứ lý do sa thải để từ chối tiếp nhận. Điều này sẽ gây khó khăn cho đời sống của người lao động cũng như cơ hội được tham gia vào việc làm chính thức, và hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng từng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng như luật hiện hành.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư bao nhiêu? Từ năm 2010 đến hết năm 2020, số thu luôn vượt số chi, hết năm 2020, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần 90 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, số chi bảo hiểm thất nghiệp cao hơn số thu rất nhiều. Đến các năm 2022 và 2023, số thu - chi đã tiệm cận nhau. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư quỹ còn khoảng 59.357 tỷ đồng. |