Băn khoăn… trợ cấp thất nghiệp
TP.HCM: Hơn 4.726 tỉ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề TP.HCM: Trên 32.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Để trả lời cho câu hỏi này, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động: Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
“Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc, thời gian thử việc, thời gian được người sử dụng lao động cử đi học, thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương, thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động… Căn cứ các quy định này, các doanh nghiệp, công ty sản xuất kinh doanh cần nghiên cứu và đối chiếu hồ sơ thực tế của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để thực hiện việc trả trợ cấp thôi việc cho người lao động”, bà Trang khuyến cáo.
Thời gian qua, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất do thiếu đơn hàng. Trong đó, không ít nhà máy, xí nghiệp để cầm cự đã buộc phải cho công nhân, người lao động giảm giờ làm, thậm chí nghỉ việc không lương. Ông Phạm Hải Long, Giám đốc CTCP Xuất khẩu nông sản Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) cho biết, trước kia vào giai đoạn hàng hoá cao điểm công ty thường xuyên duy trì trên 1.200 công nhân, nhưng hiện nay dây chuyền sản xuất của nhà máy đang phải hoạt động cầm chừng vì thiếu đơn hàng, nên số lượng lao động cũng chỉ còn hơn một nửa. Đối với lao động tay nghề không cao, nhà máy buộc phải cắt giảm để tiết giảm tối đa chi phí. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra một số áp lực cho công ty về việc thanh toán các chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, cũng như sau này tuyển dụng và đào tạo lại cũng rất khó khăn, tốn kém.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng trong quý III/2023, ĐBSCL và Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,87% và 3,08%. Đáng chú ý, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng buộc phải cho lao động nghỉ giãn việc vẫn tiếp diễn. Báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý III năm nay khoảng 54,2 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước, chủ yếu là lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3%), tập trung ở ngành da giày với 31,9% và dệt may với 30,9%. Số lao động bị mất việc trong quý III là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Bình Dương là 33,6 nghìn người và TP.Hồ Chí Minh là 34,6 nghìn người, do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày.
Trước vấn đề này, thời gian qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động. Trong đó, tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…
Tuy nhiên để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, Chính phủ cần có các giải pháp tích cực phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tích cực giải ngân vốn đầu tư, ổn định hoạt động doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp một cách bền vững, cũng như hướng thị trường lao động ngày một nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.