Tổng Liên đoàn Lao động góp ý về trợ cấp thất nghiệp
Hà Nội: Lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng Thất nghiệp trong độ tuổi lao động: Thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam Sửa đổi Luật Việc làm: Sẽ linh hoạt hơn trong đóng bảo hiểm thất nghiệp |
Đảm bảo quyền lợi cho lao động bị thất nghiệp
Hiện tại, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp (tương ứng 144 tháng đóng), không được tính hưởng và bảo lưu thời gian đóng dư.
Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì xây dựng dự luật) đề xuất mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng liền kề trước khi lao động thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.
Tổng Liên đoàn lao động đưa ra góp ý và đề xuất mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được lên mức 75% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cao hơn mức hiện hành.
Cơ quan công đoàn đưa ra nhiều góp ý liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) |
Giải thích về đề xuất trên với cơ quan soạn thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực tế đa số các doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, trong khi mức lương tối thiểu vùng hiện nay còn thấp.
Vì vậy, cơ quan công đoàn tin rằng mức trợ cấp thất nghiệp cần tăng lên ít nhất 75% là phù hợp. Hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Đề xuất này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.
Đại diện Công đoàn Việt Nam cũng đưa ra góp ý với cơ quan soạn thảo, những người đóng bảo hiểm thất nghiệp, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Lý do là bởi trên thực tế có nhiều người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đến khi nghỉ hưu vẫn không thất nghiệp lần nào, nên sẽ không được hưởng quyền lợi gì từ phần đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đề xuất của cơ quan công đoàn cũng nhằm khắc phục tình trạng nhiều người lao động đã xin nghỉ việc trước một năm trước khi nghỉ hưu, để hưởng được 12 tháng trợ cấp thất nghiệp cho bớt thiệt, rồi mới làm thủ tục hưởng lương hưu.
Nên xem xét trợ cấp với nhóm lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng
Trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có đề xuất nhóm lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, lao động bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật buộc thôi việc sẽ không được hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, đây là vấn đề đang gây tranh cãi rất lớn trong xã hội. Công đoàn Việt Nam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét lại điều này nhằm chia sẻ, đảm bảo quyền lựa chọn việc làm mới của người lao động.
Vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc bị sa thải vốn nhạy cảm. Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, tình huống phát sinh chứ không hoàn toàn lỗi từ phía lao động.
Nhiều người lao động cũng thông qua cơ quan công đoàn lên tiếng phản ánh rằng, không ít doanh nghiệp sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng, thậm chí dùng các "chiêu trò" như đẩy cao KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) để trừ lương thưởng nếu không đạt. Thông qua đó ép lao động tự nghỉ việc để không phải dính dáng pháp lý. Thậm chí, cơ quan công đoàn còn nêu ra hiện tượng nhiều một số doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi “giấu tay”, như trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau, khiến người lao động gặp khó khăn khi tìm việc mới.
Người lao động đã gặp khó mà Dự thảo Luật lại không cho phép được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian khó khăn tìm kiếm việc, là không bảo đảm được mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hỗ trợ cho người lao động thực sự khó khăn về việc làm, đồng thời không bảo đảm được mục tiêu giá đỡ của chính sách, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.