Đứt gãy chuỗi cung ứng có thể còn kéo dài
Ảnh minh họa |
Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đã khiến các ngành kinh tế trên khắp thế giới phải đóng cửa và ngừng hoạt động, nhu cầu của người tiêu dùng thấp hơn và hoạt động công nghiệp suy giảm.
Khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nhu cầu đã tăng vọt. Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những thách thức to lớn. Điều này đã dẫn đến sự xáo trộn đối với các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa, những người không thể quay trở lại hoạt động như trước đại dịch vì nhiều lý do: thiếu nhân công, thiếu linh kiện chính và thiếu nguyên liệu thô.
Các khu vực khác nhau trên thế giới cùng phải hứng chịu các vấn đề về chuỗi cung ứng, có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn, vì những lý do khác nhau. Ví dụ, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sản xuất trong những tháng gần đây. Trong khi ở Anh, Brexit dẫn tới tình trạng thiếu tài xế xe tải. Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên vận tải. Đức cũng vậy, nước này đang gặp phải tình trạng tồn đọng lượng lớn hàng hóa tại các cảng.
Tình hình sẽ còn 'tồi tệ hơn'
Thật không may, các chuyên gia như Tim Uy của Moody’s Analytics cho rằng các vấn đề của chuỗi cung ứng “sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng có thể được cải thiện”.
“Khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra, ngày càng rõ ràng là quá trình này sẽ gặp phải rào cản từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng xuất hiện ở mọi góc cạnh”, ông viết trong một báo cáo phát hành hôm thứ Hai.
“Các biện pháp kiểm dịch biên giới và hạn chế di chuyển, không có hộ chiếu vắc-xin toàn cầu và nguồn cung bị mắc kẹt trong nước đã kết hợp thành một thách thức lớn, dẫn đến sản xuất toàn cầu gặp khó khăn vì giao hàng không kịp thời, chi phí và giá cả tăng lên. Kết quả là tăng trưởng GDP trên toàn thế giới sẽ không thể mạnh mẽ”, ông nói.
Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, dịch vụ và hàng hóa khác nhau, từ tình trạng thiếu hụt thiết bị điện tử và ô tô (do tình trạng thiếu chip bán dẫn) đến khó khăn trong việc cung cấp thịt, thuốc và sản phẩm gia dụng.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu đã tăng vọt, thêm vào đó tình trạng thiếu tài xế xe tải ở cả hai đầu đã làm trầm trọng thêm vấn đề đưa hàng hóa đến điểm đến cuối cùng, dẫn đến giá bán sản phẩm trên kệ cao hơn.
Đại dịch đã làm nổi lên mức độ kết nối cung - cầu không chặt chẽ và mức độ dễ mất ổn định của các chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự gián đoạn trong một phần của chuỗi có tác động xấu đến tất cả các bộ phận của chuỗi, từ nhà sản xuất đến nhà cung cấp và nhà phân phối với sự gián đoạn cuối cùng ảnh hưởng đến người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng chịu áp lực
Khi các nền kinh tế từng bước đứng vững trở lại, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng xuất hiện như một trong những thách thức lớn nhất mà các chính phủ hiện nay phải đối mặt. Khi những công dân chán nản vì giãn cách xã hội háo hức chi tiêu thì lại thấy hàng hóa vắng bóng hoặc đắt hơn nhiều.
Các quan chức Nhà Trắng nói với Reuters rằng người Mỹ có thể phải đối mặt với giá cao hơn và kệ hàng thưa thớt hơn trong mùa lễ hội Halloween, dù chính quyền Biden đang cố gắng giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.
Trung Quốc và châu Âu cũng đang gặp vấn đề về tăng trưởng do đứt gẫy chuỗi cung ứng. Hôm thứ Hai, Trung Quốc báo cáo GDP quý III chỉ tăng 4,9%, mức tăng đáng thất vọng so với quý trước, do hoạt động công nghiệp tăng chậm hơn dự kiến trong tháng Chín (tăng 3,1%, dưới mức 4,5% dự kiến của Reuters), do các vấn đề về chuỗi cung ứng.
“Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19, khi một số hoạt động tại cảng bị ảnh hưởng trong quý III/2021 và tình trạng thiếu chip tiếp tục diễn ra trong quý”, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING, cho biết hôm thứ Hai.
“Sự gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến sẽ kéo dài do giá cước vận tải vẫn còn cao và tình trạng thiếu chip vẫn là một vấn đề lớn đối với các ngành như thiết bị, ô tô và viễn thông”, bà nói.
Tuần trước, các nhà kinh tế hàng đầu của Đức đã cảnh báo rằng “tắc nghẽn nguồn cung sẽ tiếp tục đè nặng lên ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm này” và có khả năng cản trở tăng trưởng ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu với định hướng xuất khẩu.
Lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Các chuyên gia lưu ý rằng thu nhập đã bắt đầu chịu tác động của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco, Kristina Hooper, lưu ý vào tuần trước rằng “nỗi lo về chuỗi cung ứng đang gia tăng″ khi một số công ty Mỹ đưa ra cảnh báo về chi phí gia tăng liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và có khả năng sẽ làm giảm lợi nhuận.
Hooper tin rằng một số yếu tố góp phần vào các vấn đề của chuỗi cung ứng, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động, sẽ được giải quyết sớm hơn những yếu tố khác. Nhưng bà cho biết các vấn đề khác có thể ảnh hưởng lâu dài hơn.
“Bất kể các công ty ở đâu, họ đều có thể gặp vấn đề do gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí đầu vào cao hơn và một số vấn đề về nguồn lao động”, bà nói trong một bài phân tích phát hành hôm thứ Năm tuần trước.
“Tuy nhiên, một số công ty sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những công ty khác. Chi phí tăng nhìn chung sẽ có tác động lớn nhất đến các công ty có tỷ suất lợi nhuận thấp, ảnh hưởng nhiều hơn đến các lĩnh vực như vận tải, bán lẻ, xây dựng và ô tô. Những công ty ít bị ảnh hưởng nhất là những công ty có tỷ suất lợi nhuận cao, chi phí nguyên vật liệu thấp và ít lao động”.
Hooper cũng lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn có thể sớm được cải thiện, với dự báo sẽ quay trở lại mức sản xuất bình thường vào quý II/2022. Tuy nhiên, sự gián đoạn chuỗi cung ứng nói chung nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong ngắn hạn, ngoại trừ nếu có thêm làn sóng Covid-19.
“Nói chung, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí đầu vào cao hơn dường như chỉ mang tính tạm thời... Và vì vậy, doanh nghiệp cần chú ý đến lợi nhuận trong quý hiện tại nhưng đồng thời cũng phải tính toán cho các quý sau“, bà nói thêm.