Fed khởi động chiến dịch ứng phó với lạm phát
Fed tăng lãi suất tác động ra sao đến tỷ giá tại Việt Nam? |
Lãi suất sẽ chạm mức 1,9%
Kết thúc phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày 15-16/3 (kết thúc vào rạng sáng 17/3 giờ Việt Nam), Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,25%, đồng thời đưa ra thông điệp về lộ trình sẽ có thêm 6 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay với mục tiêu lãi suất chạm mức 1,9% vào cuối năm. Với quyết định này, lãi suất chủ chốt của Fed được nâng lên trong phạm vi 0,25% đến 0,5%. Đây cũng là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018, sau hơn hai năm giữ chi phí đi vay gần bằng 0 để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch. Tại cuộc bỏ phiếu cho quyết định trên, chỉ có duy nhất Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard không đồng tình. Nhân vật này là người lâu nay vẫn ủng hộ việc Fed cần phải tăng lãi suất 0,5% để đối phó với lạm phát.
Áp lực lạm phát tăng nhanh và kéo dài khiến Fed sẽ đẩy mạnh hơn lộ trình thắt chặt chính sách |
Thông điệp từ cuộc họp cho thấy, đây chỉ là lần tăng lãi suất đầu tiên trong năm nay, vì Fed cho biết họ “dự kiến rằng mức tăng liên tục trong phạm vi mục tiêu sẽ là phù hợp”. Chủ tịch Fed Powell cũng lặp lại cam kết sẽ hành động “mau lẹ”. Theo biểu đồ Dot Plot cập nhật mới nhất của Fed, dự đoán trung bình của các quan chức là lãi suất chuẩn đến cuối năm 2022 sẽ ở mức khoảng 1,9% (đây là mức tương tự với kỳ vọng của các nhà giao dịch trên thị trường hiện nay), sau đó sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 2,8% vào năm 2023 và 2024. Fed buộc phải tăng tốc tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát đã tăng “mạnh và bền vững” hơn so với dự kiến. Chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 7,9% trong tháng 2, cao nhất kể từ năm 1982. Mục tiêu lạm phát 2% của Fed dựa trên Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) thì chỉ số này cũng đã tăng tới 6,1% trong 12 tháng qua (tính đến hết tháng 1/2022).
Cùng với đà tăng của lãi suất, Fed cũng cho biết sẽ bắt đầu cho phép bảng cân đối tài sản 8,9 nghìn tỷ USD thu hẹp vào một “cuộc họp sắp tới” nhưng không đề cập chi tiết là cuộc họp nào và mức độ thu hẹp bao nhiêu. Ông Powell cho biết, các quan chức đã đạt được tiến bộ tốt trong tuần này về việc xây dựng các kế hoạch thu hẹp bảng cân đối và có thể sẵn sàng bắt đầu quy trình tại cuộc họp vào tháng 5 tới. Chương trình mua vào trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được thế chấp đảm bảo để hỗ trợ nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng này và kế hoạch thu hẹp bảng cân đối của Fed sẽ càng đẩy nhanh việc loại bỏ những tác động còn lại của chương trình trên. Cuộc họp vừa qua của Fed cũng đã loại bỏ những ngôn từ trước đó nói rằng “đường đi của nền kinh tế phụ thuộc vào diễn biến của Coronavirus”, tuy nhiên vẫn đề cập đến tác động của đại dịch đối với lạm phát.
Theo chuyên gia Ryan Sweet, Trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách tiền tệ tại Moody's Analytics, đây sẽ là một chu kỳ thắt chặt khá mạnh để đối phó với lạm phát. “Tôi không biết liệu Fed có định hạ cánh nhẹ nhàng hay không”, chuyên gia này cho biết. Cùng quan điểm này, các nhà kinh tế học Anna Wong, Andrew Husby và Eliza Winger của Bloomberg Economics cho rằng: “Fed đang cho thấy họ rất nghiêm túc trong việc kiểm soát lạm phát, sẵn sàng tăng lãi suất nhanh hơn và cao hơn so với dự kiến trước đây”.
Đối phó với lạm phát là ưu tiên hàng đầu
Fed phải đối mặt với nhiệm vụ gian nan là làm sao đảm bảo kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh nhẹ nhàng” trong bối cảnh nhiều bất định hiện nay. Trong khi thắt chặt chính sách quá chậm có nguy cơ khiến lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát, đòi hỏi phải có hành động cứng rắn hơn nữa về sau này thì những thay đổi (thắt chặt) quá nhanh lại có thể làm chao đảo các thị trường tài chính và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Xung đột Nga - Ukraine đang làm phức tạp thêm tình hình khi đã và đang khiến chi phí nhiên liệu, thực phẩm, kim loại, vận tải… tăng cao hơn, làm dấy lên lo ngại về tình trạng đình lạm như đã từng xảy ra vào những năm 1970. “Các tác động đối với nền kinh tế Hoa Kỳ là rất không chắc chắn, nhưng trong thời gian tới, cuộc xung đột này và các sự kiện liên quan có khả năng tạo thêm áp lực tăng lên đối với lạm phát và đè nặng lên hoạt động kinh tế”, FOMC cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp vừa qua.
Trong các dự báo kinh tế mới nhất, các quan chức Fed nhìn nhận lạm phát sẽ tăng cao hơn đáng kể so với dự đoán trước đây, có thể ở mức 4,3% trong năm nay, trước khi giảm xuống 2,3% vào năm 2024. Đồng thời, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 được hạ xuống mức 2,8% (từ 4% trước đó), trong khi dự báo về tỷ lệ thất nghiệp gần như thay đổi.
“Tôi thấy Ủy ban nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải đưa nền kinh tế trở lại trạng thái ổn định về giá cả”, ông Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp, đồng thời cho biết: “Nền kinh tế đủ mạnh để chịu được chính sách thắt chặt hơn”. Điều này hàm ý, nguy cơ nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái như một số phân tích đưa ra gần đây là không có khả năng xảy ra, theo quan điểm của Chủ tịch Fed.
Thực tế liên tục trong thời gian gần đây Tổng thống Joe Biden trong các phát biểu liên quan đều nhấn mạnh, việc kiềm chế lạm phát là ưu tiên kinh tế hàng đầu hiện nay. Các thành viên đảng Dân chủ cũng lo lắng việc không kiềm chế được giá cả có thể khiến họ bị mất đa số trong Quốc hội tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Bên cạnh đó, một thực tế khác là dường như Fed cũng không đơn độc trong việc trở nên “diều hâu” hơn trong đối phó với lạm phát. NHTW châu Âu (ECB) vào tuần trước đã bất ngờ đưa ra một thông báo cho biết đang lên kế hoạch chấm dứt các chương trình mua trái phiếu vào quý III tới, mở đường cho lần tăng lãi suất đầu tiên. NHTW Anh (BoE) tại cuộc họp trong tuần này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp.