Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản và báo hiệu khả năng kết thúc chu kỳ tăng
Chủ tịch Fed Jerome Powell |
Trong một quyết định được các thị trường mong đợi, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC) đã quyết định tăng lãi suất chuẩn thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lên phạm vi 5-5,25%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2007.
Tuy nhiên, các thị trường tập trung nhiều hơn vào việc liệu Fed có tạm dừng ở đây hay không, đặc biệt là với những lo ngại kéo dài về tăng trưởng kinh tế ảm đạm và cuộc khủng hoảng ngân hàng đã làm rung chuyển Phố Wall.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ và lợi tức trái phiếu kho bạc thấp hơn sau tin tức điều chỉnh lãi suất của Fed.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc tạm dừng tăng lãi suất như một số mong đợi đã không được đưa ra hôm nay, nhưng lưu ý rằng sự thay đổi trong giọng điệu tuyên bố xung quanh vấn đề này trong tương lai là “có ý nghĩa”.
Tuyên bố tại cuộc họp chỉ đưa ra một số gợi mở về tốc độ tăng lãi suất trong tương lai. Nhưng dữ liệu trước đó hàm ý rằng “FOMC dự đoán một số điều chỉnh chính sách tiếp theo có thể phù hợp” để Fed đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Tuyên bố nhắc lại rằng Fed “sẽ tính đến độ trễ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, mà nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát”.
Tổng hợp lại, các động thái này ít nhất là "một cái gật đầu" mong manh rằng mặc dù chính sách thắt chặt có thể vẫn có hiệu lực, nhưng con đường phía trước đối với việc tăng lãi suất thực tế sẽ ít rõ ràng hơn khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá các dữ liệu và điều kiện tài chính sắp tới.
Quyết định hôm thứ Tư được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang suy yếu và trước sự phản đối của các nhà lập pháp nổi tiếng của đảng Dân chủ, những người đã thúc giục Fed trong tuần này ngừng tăng lãi suất mà họ khẳng định có thể gây ra suy thoái kinh tế và mất việc làm quá mức.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn mạnh kể từ khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed bắt đầu vào tháng 3/2022. Đồng thời, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách cho là tối ưu.
Nhiều quan chức đã nói rằng lãi suất có thể sẽ cần phải duy trì ở mức cao ngay cả khi việc tăng lãi suất dừng lại.
“Lạm phát đã phần nào giảm bớt kể từ giữa năm ngoái, tuy nhiên áp lực lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao và quá trình đưa lạm phát trở lại mức 2% còn một chặng đường dài phía trước”, ông Powell nói với các phóng viên tại họp báo.
Cùng với lạm phát, Fed đã phải đối phó với sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng khi ba ngân hàng cỡ trung bình phải đóng cửa.
Mặc dù các quan chức ngân hàng trung ương khẳng định toàn ngành ngân hàng vẫn ổn định, nhưng dự kiến việc thắt chặt các điều kiện tín dụng và tăng cường các quy định quản lý tới đây sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế vốn chỉ đạt mức 1,1% so với cùng kỳ trong quý I.
Tuyên bố sau cuộc họp lưu ý rằng “các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng lao động và lạm phát”. Ngôn ngữ này tương tự như tuyên bố hồi tháng Ba, được đưa ra ngay sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature.
Các thành viên của Fed tại cuộc họp FOMC tháng Ba đã cảnh báo rằng một cuộc suy thoái nhẹ có thể xảy ra do các vấn đề trong hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, tuyên bố từ cuộc họp tuần này cũng nhắc lại rằng tăng trưởng kinh tế “khiêm tốn” trong khi “số lượng việc làm tăng mạnh” và lạm phát “tăng cao”.
“Mặc dù tuyên bố của FOMC ôn hòa hơn một chút so với những gì nó đã loại bỏ khỏi tuyên bố cuối cùng, nhưng nó vẫn cho thấy rõ ràng rằng Fed vẫn phụ thuộc vào dữ liệu vì họ thừa nhận rằng lạm phát vẫn tăng nhưng nhấn mạnh rằng họ muốn theo dõi các tác động tích lũy của các chính sách thắt chặt của mình", Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại LPL Research nhận xét.
“Tuyên bố cung cấp một nền tảng vững chắc rằng tiếp theo Fed có thể hành động không gây bất ngờ quá mức cho thị trường”, Krosby nói thêm.