Fintech thanh toán xuyên biên giới nhập cuộc
VIO 2019 - định hình tương lai Fintech Việt Nam | |
Tìm vốn cho khởi nghiệp Fintech |
Chuyển tiền qua các tiện ích của fintech đang thu hẹp khoảng biên giới quốc gia |
Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) và Tập đoàn Tài chính Welcome (Hàn Quốc) cuối tháng 9 đã tổ chức trao giải thưởng cho Chương trình Fintech Summit 2019. Giải nhất trị giá 5.000 USD đã được các đơn vị này trao cho Hawking Instamo (Hawking.network) - một nền tảng công nghệ thanh toán quốc tế kết nối cơ sở dữ liệu của các ngân hàng, quỹ tài chính và công ty tài chính công nghệ để giúp cho việc chuyển tiền được thuận lợi và nhanh hơn
Theo đại diện của Hawking Instamo, nền tảng công nghệ mà startup này xây dựng là một ứng dụng có thể cài đặt trực tiếp trên điện thoại thông minh, giúp người dùng có thể chuyển tiền nhanh hơn với chi phí tốt hơn tới các ngân hàng cả trong và ngoài nước. Để thu hút người dùng, hiện Hawking Instamo đã và đang giới thiệu là “kênh đầu tư – chuyển tiền trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam” và kêu gọi khách hàng cài đặt app để chuyển kiều hối từ Singapore về nước với chi phí thấp. “Mong muốn của chúng tôi là sẽ đem sản phẩm tới hơn 160 nước trên thế giới, bắt đầu từ Việt Nam”, ông Ronald Le - CEO của Hawking Instamo nói.
Ngay sau khi Hawking Instamo nhận giải thưởng trong cuộc thi khởi nghiệp lĩnh vực fintech, một cuộc thi mới liên quan đến lĩnh vực trung gian thanh toán xuyên biên giới cũng vừa được phát động. Theo đó, các tập đoàn Amazon Global Selling và T&T Group đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức cuộc thi “Tài năng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2019”. Dự kiến cuộc thi này sẽ diễn ra trong các tháng cuối năm và trao giải vào đầu năm 2020. Từ đó chọn lọc để phát triển các fintech khả thi trong lĩnh vực thanh toán, nhằm hỗ trợ phát triển thị trường thương mại điện tử.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, không chỉ xuất hiện tại các cuộc thi công nghệ tài chính, hiện nay, làn sóng hợp tác giữa các NHTM trong nước với các DN nước ngoài để phát triển dịch vụ thanh toán xuyên biên giới đã bắt đầu manh nha xuất hiện. Tại Việt Nam, vừa qua SeABank đã hợp tác với mạng lưới thanh toán xuyên biên giới toàn cầu Thunes để mở rộng các tùy chọn thanh toán chuyển khoản tại quốc tế và khai thác hiệu quả dịch vụ nhận – chuyển kiều hối.
Trong khi đó, tổ chức tư vấn đầu tư Accenture cũng nhận định rằng, hiện nay các startup lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới đang đổ dồn vào khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Các nền tảng trung gian thanh toán, cung cấp dịch vụ chuyển đổi ngoại tệ cho các nhà bán lẻ như: Stripe, Square, PayPal, TransferWise… hiện đã bắt đầu có chiến lược chuyển hướng mạnh mẽ và khai thác các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore…
Chẳng hạn, tháng 9 vừa qua, TransferWise đã đàm phán xong và chuẩn bị ra mắt dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới tại Singapore và Nhật Bản; InstaReM, Remitly và Revolut cũng đã hoàn thành các thủ tục để triển khai các dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Phillipines, Indonesia và Nhật Bản. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, sau khi mua lại 70% cổ phần của GoPay, Công ty thanh toán PayPal của Mỹ cũng đã được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán qua điện thoại, trực tuyến và xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ CTCP Thanh toán quốc gia (Napas), từ giữa tháng 6/2019 vừa qua đơn vị này đã được bầu làm Chủ tịch Mạng thanh toán châu Á (APN - Asian Payment Network) với 12 quốc gia thành viên. Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch APN, Napas và các thành viên APN sẽ tập trung xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ cho các quốc gia khu vực.
Trong đó, các nội dung liên quan đến: chuyển đổi từ kết nối song phương sang kết nối thông qua APN Hub; triển khai dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới; phát triển dịch vụ chuyển mạch các giao dịch xuyên biên giới QR Code; hỗ trợ cho các doanh nghiệp fintech và đơn vị khởi nghiệp… sẽ được các quốc gia tập trung thực hiện.
Theo Napas, hiện tại giữa các tổ chức chuyển mạch thành viên của APN đã có kết nối song phương để triển khai và cung cấp dịch vụ trên ATM bao gồm dịch vụ rút tiền, vấn tin và dịch vụ chuyển khoản xuyên biên giới. Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay Napas đã triển khai thành công các kết nối đến 4 tổ chức chuyển mạch thẻ là thành viên của APN bao gồm KFTC (Hàn Quốc), PayNet (Malaysia), ITMX (Thái Lan) và UnionPay (Trung Quốc).
Các kết nối này mang lại cho chủ thẻ Việt Nam nhiều tiện ích thiết thực thông qua việc cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch trên mạng lưới ATM/ POS tại các nước thành viên APN và ngược lại. Chính vì vậy, trong những năm tới, với vai trò Chủ tịch APN, Napas kỳ vọng có thể phát triển và hoàn thiện thêm nhiều kết nối thanh toán xuyên biên giới. Từ đó thúc đẩy hệ thống ngân hàng mở rộng các hợp tác thanh toán quốc tế, tạo điều kiện phát triển các ngành du lịch và dịch vụ, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các fintech khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán có thể được triển khai, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh.